Quyền tác giả có cần phải đăng ký cấp phép?

Ngọc Nhi thực hiện 18/02/2018 06:02

Khi hội nhập toàn cầu, quyền tác giả - một loại quyền sở hữu trí tuệ quan trọng – đang được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm trước “ngưỡng cửa 4.0”. Đây không còn là vấn đề về quan điểm khoa học pháp lý nữa, mà rất gần gũi với doanh nghiệp, khi mà họ đều muốn bảo vệ quyền tác giả đối với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình.

Mở rộng vấn đề này, Diễn Đàn Doanh Nghiệp (DĐDN) có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Thiên Hương, Chuyên gia tư vấn cấp cao – Trung tâm Quản trị tài sản trí tuệ Việt Nam (VIPMAC).

TS Hương khẳng định Hiện nay, tài sản trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú ý bảo vệ, vì khái niệm này còn khá mới mẻ với người Việt Nam. Tuy nhiên, cần chú ý rằng tất cả các tài sản trí tuệ đều có giá trị thương mại cụ thể, và cần được chú trọng bảo vệ. Tùy

TS Hương khẳng định: Hiện nay, tài sản trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú ý bảo vệ, vì khái niệm này còn khá mới mẻ với người Việt Nam. Tuy nhiên, cần chú ý rằng tất cả các tài sản trí tuệ đều có giá trị thương mại cụ thể, và cần được chú trọng bảo vệ. 

 - Thưa bà, có quan điểm cho rằng theo quy định của luật hiện hành và thông lệ quốc tế, quyền tác giả là quyền đương nhiên và Giấy chứng nhận quyền tác giả không có giá trị gì. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Đúng là theo quy định của luật hiện hành thì không có bất cứ điều khoản nào của Luật Sở hữu trí tuệ (thông qua năm 2005, sửa đổi năm 2009) bắt buộc chủ sở hữu quyền tác giả phải có giấy chứng nhận quyền tác giả thì mới bảo hộ tác phẩm cả. Đây là một điểm khác biệt rất lớn giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, phải nhấn mạnh rằng Việt Nam là thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Một trong những nguyên tắc lớn nhất của Công ước, đó chính là nguyên tắc bảo hộ tác phẩm không cần phải đăng ký tại một cơ quan chức năng nào cả. Tôi xin kể một chi tiết khá thú vị là trước khi Mỹ tham gia Công ước Berne, luật của quốc gia này cũng buộc chủ sở hữu phải đăng ký tác phẩm mới được bảo hộ. Tuy nhiên, sau khi thành thành viên của công ước này, Mỹ buộc phải thay đổi luật và bỏ đi quy định về đăng ký bắt buộc.

 Vì thế, có thể khẳng định rằng quyền tác giả đương nhiên sinh ra khi tác phẩm được hoàn thành. Tuy nhiên, nếu nói là Giấy chứng nhận quyền tác giả không có giá trị gì, thì lại là sai. Việc các chủ sở hữu tác phẩm ở Việt Nam đăng ký bảo hộ tác phẩm ở Cục bản quyền tác giá có ý nghĩ rất tích cực, đó là tạo bằng chứng rõ ràng và cụ thể, để “phòng” trường hợp bị vi phạm quyền tác giả thì việc đề nghị cơ quan chức năng can thiệp, hay khởi kiện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Về mặt này, luật của Việt Nam không hề trái với Công ước Berne. Ngược lại, chúng ta nên nhìn vào mặt tích cực của việc đăng ký bản quyền ở Việt Nam, đó là tạo điều kiện cho chủ sở hữu quyền tác giả có thể bảo vệ quyền lợi của bản thân một cách hiệu quả hơn.

- Lấy ví dụ, khi một cuốn sách bị xâm phạm quyền tác giả thì NXB hay tác giả sẽ không thể làm được gì theo luật, có phải vậy không, thưa chuyên gia?

Khi một tác phẩm bị xâm phạm quyền tác giả, thì chủ sở hữu quyền tác giả hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, hoặc khởi kiện dân sự hoặc hình sự tùy theo tính chất của vi phạm. Nếu tác phẩm đã được đăng ký quyền tác giả, thì thủ tục chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, trong trường hợp tác phẩm không được đăng ký bảo hộ, thì bản thân chủ sở hữu quyền tác giả phải tự tìm cách chứng minh rằng đây là một tác phẩm được bảo hộ (tức là đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo luật hiện hành), đồng thời phải đưa được bằng chứng về quyền sở hữu trí tuệ (chứng minh bản thân là tác giả, hoặc là người được tác giả nhượng quyền khai thác tác phẩm) – theo quy định của luật dân sự Việt Nam. Rõ ràng là nếu đăng ký bảo hộ tác phẩm thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường cần bảo vệ quyền đối với logo, slogan, giao diện website và các quy trình kinh doanh. Chuyên gia có gợi ý gì về các hạng mục khác trong doanh nghiệp mà họ cần bảo vệ không?

Hiện nay, tài sản trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú ý bảo vệ, vì khái niệm này còn khá mới mẻ với người Việt Nam. Tuy nhiên, cần chú ý rằng tất cả các tài sản trí tuệ đều có giá trị thương mại cụ thể, và cần được chú trọng bảo vệ. Tùy lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ một cách phù hợp. Ngoài các hạng mục trên, doanh nghiệp còn cần phải chú ý bảo vệ nhãn hiệu nói chung, các kết quả hoạt động sáng tạo khác của doanh nghiệp nếu có. Cần lưu ý rằng rằng, chúng ta đang bước vào nền kinh tế số, và sức mạnh sáng tạo sẽ là yếu tố chính quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

- Khi có xung đột về quyền tác giả trong kinh doanh, rất khó để bên bị vi phạm theo đuổi vụ kiện dai dẳng và tốn kém, vậy pháp luật có cơ chế nào để bảo vệ họ không, thưa chuyên gia?

Ở Việt Nam, tồn tại một cơ chế bảo vệ khá đặc biệt mà nhiều nước khác không có, đó là xử phạt hành chính hành vi vi phạm quyền tác giả. Cơ chế này có lợi ở chỗ là nhanh gọn, ít tốn kém so với khởi kiện (dân sự hoặc hình sự). Tuy nhiên, xử phạt hành chính có nhược điểm ở chỗ người bị vi phạm quyền lợi không thể đòi đền bù thiệt hại được. Vì thế, doanh nghiệp nên có chiến lược cụ thể trong việc bảo vệ quyền tác giả, tùy theo nhu cầu và mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Đồng thời, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý xây dựng các biện pháp phòng chống vi phạm, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Tốt nhất, doanh nghiệp nên có sự hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý có uy tín.

- Xin cảm ơn bà!

Tham chiếu đến trang tin của Cục Bản quyền tác giả, đơn vị này liệt kê ra bốn giá trị của Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (gọi chung GCNQTG).

Thứ nhất, tổ chức, cá nhân đã được cấp GCNQTG không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Thứ hai, thông tin liên quan đến đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; công bố trên Công báo về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ ba, GCNQTG được coi là bằng chứng về quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, tạo thuận tiện trong việc khai thác, sử dụng tác phẩm, chuyển quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt khi có tranh chấp.

Thứ tư, về hiệu lực của GCNQTG: GCNQTG có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ngọc Nhi thực hiện