Lựa chọn mô hình nhà nước nào?
Trên bàn nghị sự là 3 mô hình nhà nước: nhà nước điều chỉnh, nhà nước kế hoạch hóa tập trung và nhà nước kiến tạo phát triển. Áp dụng đúng quy luật, đúng mô hình đã khiến nhiều nền kinh tế phát triển vượt bậc.
Nhà nước điều chỉnh tác động lên các ngành công nghiệp bằng cách điều chỉnh chính sách, pháp luật rồi để cho thị trường tự phân bổ các nguồn lực. Nhà nước kế hoạch hóa tập trung xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp rồi đứng ra tự phân bổ các nguồn lực và tự thực hiện kế hoạch mà không công nhận vai trò của thị trường. Nhà nước kiến tạo phát triển xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp và tác động mạnh mẽ lên thị trường để thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch của mình.
Bản chất của nhà nước kiến tạo
Các nước Anh, Mỹ lựa chọn mô hình nhà nước điều chỉnh. Các nước xã hội chủ nghĩa (trước đây) lựa chọn mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hà Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Để tiếp tục đổi mới, Việt Nam chúng ta nên lựa chọn mô hình nào?
Thực ra, thuật ngữ “nhà nước kiến tạo phát triển” được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ những năm tám mươi của thế kỷ trước khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng, trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đều được xem là những nhà nước kiến tạo phát triển. Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình nhà nước này là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp (với những tham vọng lớn) và đầu tư mãnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Mà nhà nước kiến tạo phát triển chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra. Để đạt được mức tăng trưởng GDP gấp đôi, một nhà nước điều chỉnh (như Hoa Kỳ) sẽ phải mất đến 50 năm, trong lúc đó một nhà nước kiến tạo phát triển (như Trung Quốc) chỉ mất 10 năm.
Ở Việt Nam, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Như vậy tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua. Sau 30 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế, cũng như thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã tăng đến hàng chục lần. Rất nhiều nước cộng hòa Xô viết (thuộc Liên Xô trước đây) từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung đã không có được một sự phát triển ngoạn mục như vậy. Và một trong những nguyên nhân cơ bản ở đây có lẽ là các nước này đã không lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Để Việt Nam hóa "rồng"!
Tuy nhiên, vấn đề là tại sao đất nước ta vẫn chưa trở thành “hổ”, thành “rồng” như các nước Đông Bắc Á. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà lại thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Một nguyên cơ bản khác nữa là chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ tinh hoa và chuyên nghiệp triển khai thực hiện chương trình công nghiệp hóa. Có lẽ đây là những khiếm khuyết mà chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để khắc phục. Đồng thời phải kiên trì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Kinh nghiệm của Trung Quốc một lần nữa khẳng định đây là mô hình phù hợp nhất để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc về kinh tế.
Công bằng mà nói, một khuôn khổ khái niệm sáng rõ và mạch lạc về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chưa thật sự hình thành ở nước ta. Sự lựa chọn của chúng ta trong quá trình đổi mới chủ yếu là đi theo sự đòi hỏi khách quan của tình hình hơn và rất cần một nền tảng lý thuyết vững chắc. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là những cố gắng của chúng ta trong thời gian tiếp theo cần nhất quán mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chứ không phải mô hình nhà nước điều chỉnh.
Trong phát biểu ngày 18/11/2017 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, khi được hỏi về nội hàm của Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng đã khẳng định: “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”... Đây quả thực là mô thức hành động có kết hợp với nhà nước điều chỉnh theo mô hình Anh, Mỹ. Cách làm này đã đưa lại sự phát triển và thịnh vượng cho hai quốc gia nói trên là điều không thể chối cãi. Và trong điều kiện các doanh nghiệp của nước ta làm ăn khó khăn như hiện nay, có lẽ đây cũng là cách làm rất cần thiết.
Tuy nhiên, cần phòng ngừa rủi ro lớn ở đây là các điều kiện kinh doanh thuận lợi được tạo ra, nhưng tận dụng chúng có thể lại là các doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải là doanh nghiệp Việt. Thành công của mô hình nhà nước điều chỉnh vì vậy còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp và của từng người dân trong nước. Sự lựa chọn đúng đắn hơn cho đất nước ta vì vậy có vẻ vẫn là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (theo mô hình các quốc gia Đông Bắc Á) chứ không hẳn là mô hình nhà nước điều chỉnh (theo mô hình Anh, Mỹ).