Hành lang pháp lý riêng cho “siêu ủy ban”
Trả lời PV DĐDN, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) khẳng định, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sẽ tạo hành lang pháp lý đủ “thông thoáng” cho Siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước hoạt động hiệu quả.
Là người tham gia soạn thảo Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của “siêu” Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, ông Hiếu cho biết, Uỷ ban là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng có những đặc thù về chức năng, quy mô đầu tư và tầm nhìn, cần nguồn kinh phí cao cho hoạt động.
- Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo quy định cơ chế cho “siêu” Uỷ ban là một “định chế bao trùm”, thưa ông?
Điều này không đúng, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải là “siêu” Uỷ ban hay một “định chế bao trùm” với hàm ý là cơ quan siêu lớn, siêu quyền lực và siêu quan liêu.
Trong Dự thảo Nghị định có quy định cụ thể chức năng, quyền hạn của Uỷ ban này khác hẳn với trước đây. Theo đó, Uỷ ban là cơ quan thực hiện tập trung, thống nhất các quyền của chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thay vì phân tán tại các bộ ngành và địa phương như trước. Chính sự phân tán quyền chủ sở hữu là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước không thực sự hiệu quả. Khi xảy ra vấn đề thì không xác định được ai là người chịu trách nhiệm chính.
Dự thảo Nghị định yêu cầu rất cao việc công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban, đồng thời tăng cường công tác kiểm toán độc lập hoạt động đầu tư của cơ quan này.
Có thể nói, các cơ quan nhà nước nắm toàn bộ, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước vừa can thiệp vào hoạt động kinh doanh.
Như vậy, Uỷ ban hiện có vai trò và quyền hạn thu hẹp hơn. Cơ quan này khi được thành lập thì chỉ thực hiện một chức năng là quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp. Xét về quyền lực thì Ủy ban sẽ tập trung hơn nhưng lại thu hẹp vào theo hướng chuyên sâu hơn, chuyên nghiệp hơn. Khi đó các Bộ và cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào chức năng quản lý nhà nước của mình.
- Số vốn quá lớn, dàn trải trên nhiều lĩnh vực có phải là thách thức lớn đối với Uỷ ban, thưa ông?
Đây rõ ràng là thách thức nếu chưa làm một cách chuyên nghiệp, tập trung, thống nhất về quyền của chủ sở hữu. Tới đây, Uỷ ban được thành lập với 21 doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây không phải là thách thức quá lớn bởi xét hoàn cảnh ở Việt Nam, Uỷ ban là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng bản chất hoạt động như một nhà đầu tư. Mặc dù quản lý mức tài sản 5,4 triệu tỷ đồng nhưng so với các tập đoàn lớn ở VN hay trong khu vực và trên thế giới thì quy mô không phải quá lớn. Nên xét về thách thức về chuyên môn, năng lực thì không phải vấn đề.
Việc dàn trải trên nhiều lĩnh vực thì thách thức là Uỷ ban phải có tầm nhìn bao quát, hiệu quả của cả khu vực DNNN ở trung và dài hạn. Trong Dự thảo Nghị định lần này cũng có phương án để xuất chuyển cán bộ từ các bộ về uỷ ban, tuy nhiên sẽ không đồng bộ và đảm bảo tính khách quan.
- Tại sao không “nâng cấp” hoặc “đóng cửa” SCIC thay vì thành lập Uỷ ban mới, thưa ông?
Khi xây dựng đề án về Uỷ ban, chúng tôi đã cân nhắc nhiều phương án. Trong đó, có cả phương án là “nâng cấp” SCIC và cũng có phương án sẽ giữ SCIC. Sau khi cân nhắc tất cả điểm lợi và bất cập Chính phủ đã lựa chọn giữ SCIC trong Uỷ ban.
Điểm cân nhắc lớn nhất là từ mô hình các nước, có mô hình đơn thuần là một công ty đầu tư kinh doanh vốn như ở Singapore, có nước thì là cơ quan nhà nước như Bộ quản lý doanh nghiệp của Indonesia, có nước là cơ quan có địa vị pháp lý thuộc nhà nước nhưng hoạt động không thực hiện chức năng quản lý mà thực hiện hoạt động đầu tư như Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) tại Trung Quốc.
Ở Việt Nam, Dự thảo lần này có sự kết hợp ưu điểm của 1 số mô hình, phù với tính chất quy mô và vai trò của DNNN thực hiên chức năng đầu tư kinh doanh.
- Cơ chế quản lý, sử dụng vốn nhà nước đã rõ, vậy còn nguồn tài chính thu được từ hoạt động của Uỷ ban sẽ được quy định như thế nào trong Dự thảo, thưa ông?
Địa vị pháp lý của Uỷ ban là một cơ quan thuộc Chính phủ nên nó không phải là một công ty như SCIC nên không có vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận… Chính vì vậy ngân sách nhà nước sẽ cấp cho kinh phí hoạt động. Ủy ban sẽ có các nguồn thu như tiền bán vốn, cơ cấu lại vốn, thặng dư trong quá trình chuyển nhượng cổ phần, trong quá trình thực hiện chức năng đầu tư như một người đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, nếu chỉ đơn thuần hoạt động dựa trên ngân sách nhà nước và cơ chế trả lương thì Uỷ ban này sẽ hoạt động không hiệu quả. Cơ quan này thực hiện chức năng của nhà đầu tư, với quy mô dàn trải và tầm nhịn rộng nên trong hoạt động của nó cần những nguồn kinh phí cao hơn định mức chi của nhà nước để thu hút được chuyên gia giỏi vào làm việc, thuê các chuyên gia, tư vấn trong hoạt động kinh doanh. Do đó, cơ chế tài chính của Uỷ ban hiện là khó khăn lớn nhất.
Hiện, Dự thảo Nghị định đang tính đến phương án phải bố trí một phần nguồn thu từ Quỹ hỗ trợ, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!