Ba “cửa ải” cho ô tô nhập khẩu Kỳ I: Nghị định 116 và “đại chiến” doanh nghiệp ô tô

THY HẰNG 28/02/2018 12:56

Khẳng định chủ trương tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô, đồng thời tuân thủ cam kết, quy định của luật pháp quốc tế, song Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, Việt Nam cũng cần có bước đi của mình nhằm bảo đảm nền sản xuất tự chủ.

Những luồng ý kiến trái ngược xoay quanh việc thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT đang ngày càng trở nên gay gắt giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô. Trong đó các tranh cãi xoay quanh 3 vấn đề chính gồm yêu cầu giấy chứng nhận kiểu loại xe, quy định về kiểm tra theo lô và yêu cầu về đường thử xe.

p/Đại diện một số hãng ô tô cho rằng, Nghị định 116, đặc biệt là Thông tư 03 được xem là đòn “nốc ao”, chặn hoàn toàn ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

Đại diện một số hãng ô tô cho rằng, Nghị định 116, đặc biệt là Thông tư 03 được xem là đòn “nốc ao”, chặn hoàn toàn ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

“Thế giới không làm vậy”

Theo đó, luồng ý kiến thứ nhất của một số doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM… Các doanh nghiệp này bày tỏ quan ngại sâu sắc trước một số quy định hành chính trong Nghị định 116, cho rằng các quy định này không theo thông lệ quốc tế, làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu ô tô.

Thậm chí, những doanh nghiệp này còn cho rằng, Nghị định 116, đặc biệt là Thông tư 03 được xem là đòn “nốc ao”, chặn hoàn toàn ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Nói như Tổng giám Toyota Việt Nam Toru Kinoshita: “Nghị định làm tăng chi phí và thời gian khiến giá xe tăng cao, đồng thời kéo dài thời gian chờ của khách hàng, tạo sự thiếu công bằng giữa các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam thậm chí phải đóng cửa chỉ vì quy định đột xuất về đường thử”.

Có cùng quan điểm, đại diện thương hiệu xe Toyota và Lexus, ông Lâm Chí Quang cũng cho rằng phía Nhật Bản không cấp giấy này vì thế giới họ không làm thế.

Ông Phạm văn Dũng- Tổng giám đốc Ford Việt Nam đánh giá, việc kiểm nghiệm theo từng lô là trùng lặp, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thông lệ quốc tế chỉ kiểm nghiệm với lô hàng đầu tiên. Với Nghị định 116, thời gian thử nghiệm mất gần 2 tháng, gây tốn kém chi phí 5.000-10.000 USD/lần kiểm nghiệm cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Thông tư 03 cũng thắt chặt với 1 phương pháp và 1 lần thử duy nhất khiến gia tăng rủi ro về khả năng tái xuất.

Đồng thời, ông Dũng cho biết, Ford từng có lô xe tái xuất sang Philip nhưng nước này yêu cầu đèn xe màu đỏ thì Việt Nam lại yêu cầu đèn vàng. Hiện Ford vẫn chưa dám nhận đơn hàng mới.

Về vấn đề đường thử, ông Nguyễn Văn Quý- đại diện General Motors (GM) Việt Nam nhìn nhận, Nghị định 116 yêu cầu đường thử 800m mà chưa nghiên cứu về kinh tế kỹ thuật sẽ chưa thuyết phục được nhà đầu tư. Bởi xin đất ở Việt Nam có khi cả năm chưa xin được. Còn nếu làm đường thử ở xa trong khi quy định thì tất cả các xe đều phải thử nghiệm, như vậy vận chuyển 30-40km rồi lại trở về thì rất tốn kém. Hơn nữa, quy định của VN cũng yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng đến cùng với sản phẩm xe”, ông Quý nói.

Không có ưu đãi cho “người nhà”

Trái ngược hoàn toàn với những ý kiến trên, luồng ý kiến thứ hai đến từ đại diện các doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công lại liên tục đưa ra các ý kiến phản biện. Ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc cty CP ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng bản thân các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải thực hiện quy định về giấy chứng nhận kiểu loại từ năm 2016.

“Khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu điều kiện về xe lắp ráp trong nước chúng tôi đã có giấy chứng nhận kiểu loại. Chúng tôi đã làm từ Thông tư 31/2011/TT-BGTVT và có chứng nhận của KIA Hàn Quốc, Peugeot Pháp... Mới đây, tháng 8 chúng tôi nhận được thư ngỏ cho BMW, từ tháng 11 đến nay chúng tôi đã có chứng nhận kiểu loại của hãng xe trên. Việc thực hiện này không có khó khăn gì. Ở Châu Âu có quy định giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe” Ông Dương nói.

Có cùng quan điểm, ông Lê Ngọc Đức- Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam chiếc xe không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản, đặc biệt trong điều kiện hạ tầng của Việt Nam thì chất lượng là yêu cầu trên hết. Do đó, giấy chứng nhận là yêu cầu bắt buộc.

Đại diện Hyundai Thành Công nhận định, doanh nghiệp có thể mang đến các cơ quan thử nghiệm lớn, ở đây đa phần là xe từ các nước Asean nên sẽ có trung tâm thử nghiệm tại Indonesia và Malaysia.

Về đường thử xe, ông Đức không đồng tình với Ford khi nói đường thử không liên quan tới chất lượng. Bởi xe cần được thử nghiệm trong điều kiện giả định, quy định đường thử 800m tại Nghị định 116 và Thông tư 03 không phải là điều quá khó. “Chúng tôi hiện có đường thử dài 1,6km và đang tiến hành xây dựng đường thử mới 3km bởi nhận thấy đường thử hiện tại không đảm bảo tăng tốc”, ông Đức nhấn mạnh.

Như vậy, các đơn vị lắp ráp trong nước bảo vệ quan điểm ủng hộ Nghị định 116 và không đồng tình yêu cầu tạm hoãn thi hành, đồng thời khẳng định không có quy định ưu đãi nào hơn cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp cũng không xin ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu lại kiên quyết giữ quan điểm cần những chính sách thuế để điều tiết sản xuất, tiêu dùng về dài hạn. Bởi các đơn vị này cho rằng, những quy định ngặt nghèo tại Nghị định 116 và Thông tư 03 là biện pháp hành chính, có thể gây ra những phản ứng không đáng có.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí cho doanh nghiệp.

Kỳ II: “Trật tự mới” cho ngành ô tô

THY HẰNG