TISCO dự tính khởi kiện tổng thầu Trung Quốc: Thà một lần đau...
“Việc khởi kiện để giải quyết những “dùng dằng” giữa TISCO và tổng thầu Trung Quốc là nên làm vì đó là quy luật của nền kinh tế”.
Đó là khẳng định của Luật sư Phạm Văn Tài – Văn phòng luật sư Thọ Khang Ninh và Cộng sự (Hà Nội) khi trả lời báo Diễn đàn doanh nghiệp về các phương án để giải quyết các tồn tại vướng mắc cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Giải quyết dứt điểm
Mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết đã chỉ đạo đại diện vốn tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC.
Theo đó, chủ đầu tư đã hoàn thành xong dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên liên quan đến Tổng thầu Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). 3 phương án được TISCO đưa ra, đó là: Tiếp tục hợp đồng với MCC; thanh lý hợp đồng với MCC và khởi kiện trên cơ sở tham vấn các ý kiến của Bộ Tư pháp và tư vấn luật để đảm bảo điều kiện pháp lý.
Trả lời về vấn đề này, Luật sư Phạm Văn Tài cho biết: “Khi đấu thầu, đơn vị đấu thầu phải thuyết phục được chủ đầu tư về phương án khả thi và giá hợp lý, thậm chí là giá thấp nhất. Khi hợp đồng được ký kết (sau khi trúng thầu), thường thì có nội dung về điều kiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng để nếu có vi phạm thì chủ đầu tư có thể có căn cứ để phạt vi phạm. Với trường hợp này, về nguyên tắc hợp đồng, việc phát sinh tăng chi phí hợp đồng phải được dự liệu trong hợp đồng. Nếu các phương án tăng chi phí được các bên chấp thuận, thì đó được coi như phụ lục của hợp đồng. Và khi xử lý tranh chấp các bên phải rà soát lại các căn cứ nội dung đó”.
Đại dự án này được phê duyệt năm 2005, khởi công rầm rộ vào năm 2007, do nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỷ đồng.Để thực hiện dự án, tháng 7/2007, TISCO và nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế - E; cung cấp thiết bị - P; xây dựng và lắp đặt - C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỷ đồng); thời gian thực hiện 30 tháng. Do gặp vướng mắc trong quá trình thi công, giá cả vật tư tăng cao nên tháng 3/2009, MCC đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Vinaincon thực hiện.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên trong quá trình thi công đã 3 lần đội vốn. Tháng 7/2007, TISCO đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với MCC, công suất của nhà máy là 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, vào tháng 8/2008 MCC yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm hơn 298 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng, tỷ giá thời điểm đó). Chủ đầu tư sau đó báo cáo lên cấp trên và được đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, tức hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu.
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng nhà máy chậm tiến độ, trong đó có khâu thương thảo với nhà thầu MCC không chặt chẽ, chấp nhận phương thức thanh toán hợp đồng không cố định, tức giá tăng sẽ thanh toán theo mức giá tăng.
Đồng thời, việc “nhiệt tình” trả tiền cho nhà thầu đã khiến TISCO “nắm dao đằng lưỡi”. Và thực tế rà soát đến tháng 6/2014, riêng chi phí xây dựng công trình dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai tăng tới 2.581 tỷ đồng, chi phí phần thiết bị tăng 382 tỷ đồng... Bên cạnh đó, trong hồ sơ dự thầu, MCC chỉ yêu cầu thanh toán 90% giá trị thiết bị sau khi nhà thầu đã giao hàng cho chủ đầu tư, nhưng trong hợp đồng Tisco lại đồng ý thanh toán 95% giá trị thiết bị khi đã giao hàng.
Trên thực tế, TISCO đã thanh toán cho MCC 93% giá trị thiết bị theo hợp đồng, trong khi phần quan trọng nhất là thiết bị điều khiển nhà máy (được xem là “trái tim” để nhà máy có thể hoạt động) thì MCC vẫn chưa chuyển giao; nhiều thiết bị khác mà MCC mang sang cũng chỉ mới lắp một phần, còn lại cất trong kho và tự quản lý kho.
Vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự đã được Thanh tra Chính phủ chuyển sang Bộ Công an để điều tra, làm rõ.
Chờ trọng tài quyết định
“Tôi cho rằng, nên rõ ràng về mặt pháp lý, sau khi bên chủ đầu tư đã rất nỗ lực nhưng không có kết quả thì việc khởi kiện, để tòa án có phán quyết sẽ giúp cả 2 bên sẽ có những phương án cụ thể. Nếu thực sự năng lực nhà thầu chính có vấn đề, cần dùng biện pháp pháp lý để giải quyết dứt điểm. Nếu đơn vị nào có đủ năng lực, có thể được mời tham gia tiếp tục thực hiện các Bộ phận của dự án. Tuy nhiên, trước khi kiện các bên cần lập hội đồng để đánh giá khối lượng công việc và nguyên nhân”, Luật sư Tài cho biết.
Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, đã hơn 13 năm sau trúng thầu, công nghệ đã khác, khu vực tư nhân cũng đã rất thành công về làm thép, việc tiếp tục làm theo phương án cũ có thể không còn phù hợp.
“TISCO nên khởi kiện. Đó cũng là quy luật của kinh tế. Hơn nữa, hiện nay đã cổ phần hóa TISCO, hãy để các cổ đông có tiếng nói trong đơn vị này xử lý các vấn đề của họ. Việc khởi kiện có thể sẽ mất thờ gian nhưng đó là cách kết thúc mang tính chuyên nghiệp để các bên có khả năng rõ ràng về mặt pháp lý ai chịu trách nhiệm”, ông Tài cho biết.