Xử lý tài sản bất minh và niềm tiếc nuối 10 năm
Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) đang được thảo luận sôi nổi và điểm thu hút công luận nhất chính là việc xử lý tài sản bất minh. Tịch thu hay đánh thuế 45% đang là những quan điểm đối nhau tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhưng ngược về quá khứ, nếu năm 2005, Luật PCTN chấp nhận một phương án theo thông lệ quốc tế, thì có lẽ đến nay, Quốc hội đã không phải “đau đầu” về một việc mà thế giới đã xử lý tốt.
Cần điều khoản “ân xá”?
Theo lời TS Nguyễn Sĩ Dũng, năm 2005, khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng, đã có chuyên gia Singapore tư vấn Việt Nam phải có điều khoản ân xá. Tức là cho phép quan chức kê khai tài sản cách trung thực và từ thời điểm kê khai đó thì tài sản đó được coi là hợp pháp.
Hơn 10 năm qua, giả sử điều khoản ân xá đó có hiệu lực thì chắc chắn vấn đề tài sản bất minh đã không trở thành nỗi ám ảnh cho quốc gia.
Thanh tra Chính phủ muốn xử lý tài sản bất minh bằng cách đánh thuế nặng nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không chứng minh được tài sản là hợp pháp thì phải tịch thu.
Có điều khoản ân xá ấy, thì khối tài sản bất minh sẽ không nằm im trong vàng, đôla, bất động sản, thậm chí là bị chuyển ra nước ngoài. Nếu được hợp pháp hóa, thì khối tài sản ấy sẽ được bung ra kinh doanh, sinh sôi nảy nở, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Nhưng không, chuyên gia và lãnh đạo các cấp đến nay vẫn loay hoay tìm cách huy động 500 tấn vàng trong dân. Tài sản nằm im đó là sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp.
Quan trọng hơn, nếu năm 2005 một điều khoản ân xá được đưa vào Luật PCTN sẽ giúp tài sản quốc gia trong hơn 10 năm qua không tiếp tục bị bòn rút để chảy vào túi riêng. Nhưng đáng tiếc, những thông lệ quốc tế tốt lành ở các nước như Singapore, Đan Mạch, Phần Lan... và những tư vấn thích đáng của chuyên gia ở một quốc gia mà tham nhũng vắng bóng đã không được cân nhắc thấu đáo.
Để đến bây giờ, khi các đại án đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến chống tham nhũng thì vấn đề tài sản bất minh lại được đem ra và cuộc tranh cãi dường như vẫn bất tận. Vấn đề là, dù gì đi nữa thì tài sản bất minh trước tiên là… tài sản, một vấn đề mà Hiến pháp đã bảo vệ đối với mọi công dân chứ không riêng gì quan chức. Bất minh hay không bất minh thì quyền tài sản vẫn là một thực thể không dễ gì xâm phạm.
Và trách nhiệm giải trình ở đâu?
Vậy nguồn cơn nằm ở đâu? Bỏ qua vấn đề “điều khoản ân xá” thì nó còn là trách nhiệm giải trình. Tài sản bất minh chắc chắn liên quan chặt chẽ đến trách nhiệm giải trình và một cơ chế giám sát, minh bạch đã không đủ sức ngăn chặn nguy cơ tài sản công bị bòn rút. Đương nhiên, nguyên nhân gốc rễ là quá trình chuyển đổi mô hình phát triển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, cùng với hệ thống luật pháp lỏng lẻo, khiến cho tài sản quốc gia đã không được giữ được tính chất công như nó vốn có. Nhưng rõ ràng việc vắng bóng một cơ chế giám sát công khai, minh bạch đã khiến quan chức không cần phải giải trình những khối tài sản mình có và nó đương nhiên trở thành bất minh.
Thế mới xảy ra những vụ việc biệt thự, biệt phủ được phanh phui ra trên khắp cả nước mà “biệt phủ Yên Bái” là tiêu biểu. Giải trình của các quan chức về nguồn gốc của những khối tài sản kếch xù không tương xứng với thu nhập như: buôn chổi đót, chạy xe ôm… rõ là ngô nghê, công chúng chê cười. Nhưng pháp luật thì lại khó chế tài được trách nhiệm dù ai cũng thấy đó là sự vô lý đến cùng cực.
Dĩ nhiên, phải thừa nhận với nhau rằng: quan chức hay bất cứ ai giàu lên bất thường chưa chắc đã vi phạm pháp luật, nhưng vi phạm đạo đức thì chắc chắn cần phải xem xét. Chỉ có điều, dù là giàu lên bất thường thì cũng có nghĩa là một người bình thường hay quan chức cũng đã xác lập được quyền sở hữu đối với khối tài sản ấy. Và quyền đó thì được Hiến pháp bảo vệ.
Vậy phải làm sao? Trách nhiệm giải trình là công cụ duy nhất. Bởi khi đã là công chức thì việc phải giải trình, công khai tài sản là vấn đề đã được luật hóa. Kể cả khi những bản kê khai tài sản chỉ lập xong rồi… đút vào ngăn kéo thì đó cũng là bước đầu thực hiện trách nhiệm giải trình.
Có thể có một phương án khả thi là khi quan chức giải trình về tài sản bất minh, nếu không giải trình được thì coi đó là căn cứ để tiến hành thanh tra. Nếu phát hiện thấy yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì mới chuyển sang điều tra. Nhưng rõ ràng, thực hiện những điều này cần sự thận trọng. Bởi không thể vô cớ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của bất cứ cá nhân nào. Mặt khác, chống tham nhũng là vô cùng quan trọng, nhưng bảo vệ nguyên tắc pháp quyền cũng quan trọng không kém.
Bởi thế, trách nhiệm giải trình là quan trọng, nhưng quan trọng không kém là áp đặt được trách nhiệm, thậm chí là tịch thu tài sản khi có những giải trình kiểu “chổi đót, xe ôm” về nguồn gốc tài sản bất minh kếch xù. Tức là chế độ trách nhiệm cá nhân sẽ được đẩy lên rất cao. Hơn nữa, phải tố tụng hóa chứ không nên dùng thủ tục, quy trình hành chính. Bởi quyền tài sản là quyền hiến định, được bảo hộ ở mức rất cao nên mọi ứng xử phải thông qua thủ tục tố tụng công khai, chặt chẽ.
Nếu bao trùm được các vấn đề như thế, thì Luật PCTN mới thực sự… chống được tham nhũng. Lúc đó, tịch thu hay đánh thuế 45% tài sản bất minh không còn là vấn đề. Mà tài sản bất minh trở nên minh bạch, phát huy được hiệu quả cho quốc gia mới là mục tiêu tối thượng.