Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra Kỳ II: Việt Nam có cơ sở để khởi kiện?

THY HẰNG 29/03/2018 09:58

Bộ Công Thương Việt Nam và các tổ chức Hiệp hội trong nước đã có ý kiến khẳng định mức thuế Mỹ áp dụng cho cá tra Việt tại POR 13 là không công bằng và bảo hộ cao quá mức. Việt Nam hoàn toàn có thể có những biện pháp để đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét lại một cách thỏa đáng.

Căn cứ kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tại kỳ rà soát chính sách thương mại lần thứ 13 (POR 13), các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg.

p/Giá trị kim ngạch XK cá tra sang Mỹ qua các năm. Nguồn số liệu: Hải quan Việt Nam

Giá trị kim ngạch XK cá tra sang Mỹ qua các năm. Nguồn số liệu: Hải quan Việt Nam

Mức thuế “tiêu diệt đối thủ”

Với mức thuế “gấp đôi giá bán” như quyết định , các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ bị “cấm cửa” vào thị trường Mỹ, trừ hai doanh nghiệp Biển Đông và Vĩnh Hoàn vì có mức thuế thoả thuận.

Cùng với đó, theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), việc Mỹ không sử dụng số liệu nước thứ 3 như Bangladesh, Indonesia mà dùng số liệu có sẵn (AFA) để tính mức áp thuế cho cá tra Việt Nam trong đợt POR 13 “là sự bảo hộ quá mức”.

“Điều này được khẳng định là chưa có tiền lệ. Thậm chí thể hiện sự áp đặt chủ quan, thiếu cơ sở của DOC. Cho thấy quyết tâm của Hiệp hội Cá nheo Mỹ là đình chỉ sản phẩm fille đông lạnh cá tra vào thị trường này” - ông Quốc nhấn mạnh.

Nói như ông Trương Đình Hoè- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): "Quyết định áp đặt của DOC đi ngược lại tiến trình tự do thương mại, quyền lợi người tiêu dùng Mỹ, ảnh hưởng đến ngành cá tra, sinh kế của nông dân Việt Nam".

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản thậm chí còn đánh giá, mức thuế DOC áp lần này mang tính "tiêu diệt đối thủ" chứ không phải chống bán phá giá. Bởi theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá quá cao đã phải bỏ thị trường.

Có cơ sở và có tiền lệ

Trao đổi với DĐDN, GS. TS Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP HCM, chuyên gia về bán phá giá khẳng định, Việt Nam có đủ cơ sở để khởi kiện Mỹ trong việc áp thuế chống bán phá giá cá tra quá mức lần này.

“Theo quy định tại Điều 2.4 tại Hiệp định về Chống bán phá giá, WTO yêu cầu so sánh phải đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, hiện Mỹ đang sử dụng phương pháp “Quy về 0 – Zeroing” trong tính toán biên độ phá giá. Cùng với đó, Mỹ có thể thay đổi quốc gia cơ sở cho việc tính toán. Điều này khiến biên độ phá giá cao lên, mức thuế doanh nghiệp Việt Nam phải chịu vì vậy mà tăng cao”, Chuyên gia Dũng phân tích, đồng thời nhận định, Việt Nam có cơ sở để kiến nghị Mỹ xem xét thay đổi cách tính thuế, yêu cầu không áp dụng phương pháp “Quy về 0”.

GS.TS Trần Việt Dũng còn cho biết thêm, tiền lệ Việt Nam đã từng thắng trong vụ việc tương tự về tôm. DOC sau đó đã phải giảm mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. “Không riêng với Việt Nam, ngay cả với tôm Thái Lan, Mỹ cũng đã nhiều lần thua kiện tương tự nhưng vẫn không bỏ cách tính thuế này” - ông Dũng nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, tại lần công bố kết quả áp thuế cuối cùng của POR 9, Việt Nam cũng đã đề nghị phía Hoa Kỳ phải xem xét lại. Khi phía DOC không thể xem xét lại một cách thỏa đáng, Việt Nam đã khởi kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT).

“Kể cả trong trường hợp phán quyết cuối cùng của tòa án (thường kéo dài 3-4 năm), mà vẫn không thỏa đáng, Việt Nam thậm chí có thể khởi kiện lên đến Tòa án thương mại liên bang. Do vậy, tôi có thể nói rằng, Việt Nam vẫn có cơ sở, có quyền và trên thực tế cũng đã từng áp dụng quyền của mình để đi đến cùng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.

Kỳ III: Phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp trong xu thế bảo hộ

THY HẰNG