Cấp bằng “độc quyền sáng chế” một sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp: Cơ quan chức năng nói gì?
Đại diện Phòng Kiểu dáng công nghiệp – Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) khẳng định: Việc cấp văn bằng bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp “ke chống bão” được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn – Phụ trách Phòng Kiểu dáng công nghiệp, trước khi cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, Phòng Kiểu dáng công nghiệp và các phòng ban chức năng đều tiến hành thẩm định rất kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Nếu cá nhân, tổ chức nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tới Cục Sở hữu trí tuệ, các phòng chức năng thuộc Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành kiểm tra tính pháp lý về mặt hình thức của hồ sơ và tiến hành đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Báo DĐDN đã có bài phản ánh về vụ việc thiết bị ke chống bão của Cty Tôn và Sắt thép đang bị mất bản quyền bởi những quyết định từ cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Quang Tuấn đã cung cấp hồ sơ, bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp của 4 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp mà Công ty TNHH sản xuất Tôn và Sắt thép (Cty Tôn và Sắt thép) có địa chỉ tại xóm 18C, xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An cho rằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ nhân bản từ 2 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 12406 và 12708 của Cty Tôn và Sắt thép. Qua hồ sơ, có thể thấy rằng 4 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo 4 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nói trên đều hoàn toàn khác so với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo 2 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã cấp cho Cty Tôn và Sắt thép. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: Như vậy việc cho rằng Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền cho cùng một kiểu dáng công nghiệp cho nhiều doanh nghiệp khác nhau là không chính xác và không có cơ sở. “Qua kiểm tra, thẩm định, chúng tôi xác định 4 kiểu dáng công nghiệp ke chống bão của họ đáp ứng các điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp và không xâm phạm quyền về kiểu dáng công nghiệp của đơn vị, cá nhân nào cả” – ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cũng khẳng định những sản phẩm mà Cty Tôn và Sắt thép cáo buộc xâm phạm bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp của mình và đã được báo DĐDN đăng tải hình ảnh hoàn toàn không phải là sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo 4 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nói trên.
Trước những băn khoăn, thắc mắc của Cty Tôn và Sắt thép kiến nghị về việc hiện nay trên thị trường có nhiều loại sản phẩm ke chống bão “sao chép” kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp của mình, đại diện Phòng Kiểu dáng công nghiệp cho rằng, trên thực tế nếu cá nhân, tổ chức cố tình sản xuất sản phẩm không đúng so với kiểu dáng công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng độc quyền và xâm phạm quyền của người khác thì doanh nghiệp có kiểu dáng công nghiệp bị xâm phạm có thể dùng bằng độc quyền của mình để đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý. Đây là quyền của doanh nghiệp đã được khẳng định trong Luật Sở hữu trí tuệ.