Dự án Luật đặc khu: Thuận lợi kinh doanh quan trọng hơn ưu đãi kinh tế

Huyền Trang thực hiện 26/05/2018 17:05

Luật sư NGUYỄN TIẾN LẬP, Trọng tài viên trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định: tính hấp dẫn của Việt Nam cần gắn với một thị trường đầy hứa hẹn hơn là các chính sách ưu đãi kinh tế.

Ông Lập cho rằng, dự thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) đã mở ra nhiều ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nhưng đang tạo nên nhiều tranh cãi lớn trong dư luận.

- Theo ông vì sao những ưu đãi này lại gây tranh cãi?

Người ta đã sử dụng các cụm từ như “ưu đãi vượt khung” hay “ưu đãi vượt trội” để nói đến mức độ ưu đãi về tài chính, bao gồm miễn, giảm hay thuế suất thấp và miễn, giảm tiền thuê đất, song hành với tối đa hoá thời hạn sử dụng đất và các quyền tự do về di chú khác đối với lao động nước ngoài mà các vùng, miền khác của đất nước không có được, ngoài các đặc khu dự kiến là Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Thực ra nói về ưu đãi tức là nhìn từ góc độ chính sách, tức sự đối xử đặc biệt theo hướng ưu tiên của Chính phủ đối với các nhà đầu tư.

  Tất cả các nước đều đang nỗ lực cải cách toàn diện để có được một môi trường thể chế vĩ mô thân thiện nhất cho đầu tư  hơn là chỉ thử nghiệm chính sách và thu hút đầu tư mang tính cục bộ vào những vùng nhất định. 

Về pháp lý, đó chính là sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư theo khu vực địa lý. Còn từ góc độ kinh tế, đó là sự từ bỏ, hy sinh lợi ích thông qua ứng trước về chi phí của Chính phủ và là một hình thức của tài trợ gián tiếp từ ngân sách nhà nước cho khu vực tư nhân. Bởi bản chất của chính sách ưu đãi là như vậy, cho nên Chính phủ các nước thường có thái độ thận trọng và ít khi sử dụng các biện pháp này để thu hút hay khuyến khích đầu tư tư nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Đặc khu - nơi cần “xé rào” cơ chế

    11:05, 25/05/2018

  • Các chuyên gia kinh tế nói gì về ưu đãi 99 năm cho đặc khu?

    03:34, 25/05/2018

  • Đầu tư vào đặc khu: Ưu đãi thuế quá nhiều sẽ tạo "tác dụng ngược"?

    09:28, 24/05/2018

  • Ưu đãi thuế ở đặc khu có thể tạo điều kiện cho né thuế?

    07:43, 24/05/2018

Thậm chí, trong khuôn khổ của các cam kết đa phương và toàn cầu như WTO, người ta có thể xem xét và coi các biện pháp ưu đãi mà không có căn cứ xác đáng là xâm hại đến cạnh tranh tự do và công bằng, một nguyên tắc cốt yếu hàng đầu của kinh tế thị trường.

p/Công trường thi công dự án Cảng hàng không Quảng Ninh

Công trường thi công dự án Cảng hàng không Quảng Ninh

Đối với trường hợp các đặc khu đang được đề xuất để Quốc hội thông qua, việc áp dụng các chính sách ưu đãi kinh tế là đi theo một lối tiếp cận cũ. Điều này dường như thay cho việc cải cách thể chế để tiến tới một cơ chế thị trường hoàn chỉnh, trong đó sự tự do kinh doanh chính là yếu tố quan trọng nhất được các nhà đầu tư mong đợi.

- Như ông nói, những ưu đãi này thiên về kinh tế hơn là việc tạo ra các thể chế hành chính. Ông có thể phân tích kỹ hơn lập luận này?

Đúng như vậy, mặc dù trong dự thảo luật cũng đưa ra một số giải pháp có thể gọi là có ý nghĩa cải cách thủ tục hành chính, bao gồm cắt bỏ hay rút gọn và rút ngắn một số thủ tục về phê chuẩn, cấp giấy phép cho các dự án hay giảm nhẹ các khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng dự án xét theo góc độ tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và tác động xã hội. Tuy nhiên, những cải cách đó không có chất lượng thể chế mà chỉ là sự giảm nhẹ về thủ tục.

Thể chế hành chính có nội dung bao quát, toàn diện hơn, bao gồm cả tư duy chính trị, trình độ và nhận thức của cán bộ thừa hành và văn hoá pháp lý, điều này nếu thay đổi được sẽ tạo ra các tác động tích cực mang tính thực chất, lâu dài và ổn định hơn. Với các nhà xây dựng chính sách, nếu họ muốn tiến hành cải cách thể chế hành chính ở ba địa điểm đã nêu thì tôi e rằng cũng ít có ý nghĩa, bởi quy mô địa lý và hành chính của cả ba nơi được gọi là “đặc khu” này khá nhỏ bé, chỉ ở cấp huyện mà thôi.

- Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu các mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới, xin ông cho biết, thế giới đang làm như thế nào ?

Trên thế giới có khoảng 3.500 đặc khu kinh tế. Tôi thấy có ít nhất 2 điều khác với thực tế của chúng ta:
Thứ nhất, mục tiêu của hình thành các đặc khu là để tạo ra sự tự do về thương mại và kinh doanh trong một môi trường vĩ mô còn nhiều hạn chế và rào cản. Chính vì vậy, đặc khu trên thế giới thường xây dựng ở những khu vực có tính nhạy cảm như cửa ngõ giao lưu hay vùng, miền còn lạc hậu, chậm phát triển nhằm hoặc hỗ trợ sự phát triển chung của cả nước, hoặc kích thích sự phát triển ở nơi được lựa chọn làm đặc khu để tiến kịp với vùng miền khác.

Thứ hai, ngoài nội dung thu hút đầu tư thì quan trọng là sự thử nghiệm hay thí điểm về cơ chế và chính sách phát triển, chủ yếu từ góc độ kinh tế hơn là thể chế pháp lý. Các cơ chế và chính sách đó phải được công khai để bảo đảm trách nhiệm giải trình, theo dõi và đánh giá hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là xu hướng hình thành các đặc khu mới không còn được ưa chuộng và cần thiết nữa trong bối cảnh tự do thương mại toàn cầu đã đạt tới ngưỡng khá cao rồi. Tất cả các nước đều đang nỗ lực cải cách toàn diện để có được một môi trường thể chế vĩ mô thân thiện nhất cho đầu tư và kinh doanh, hơn là chỉ thử nghiệm chính sách và thu hút đầu tư mang tính cục bộ vào những vùng nhất định.

- Theo ông, tại các đặc khu chúng ta nên định hướng đầu tư vào những ngành nào?

Việc thu hút đầu tư để phát triển ngành nào cụ thể, theo tôi, không phụ thuộc vào ý chí của chúng ta mà là nhu cầu và tính chất của thị trường thế giới. Ngoài ra, đó còn là các yếu tố địa chính trị và địa kinh tế nữa. Chẳng hạn, đối với khu vực Vân Phong, trước đây đã có các nghiên cứu cho rằng đó là địa điểm thuận tiện và có lợi thế khu vực về dịch vụ cảng và hậu cần vận tải - logistics. Còn với Vân Đồn hay Phú Quốc thì tôi không biết rõ, ngoài tiềm năng du lịch và nghỉ dưỡng, giống với nhiều vùng, miền khác. Tuy nhiên, nếu chỉ muốn biến các nơi này thành địa điểm ăn chơi quốc tế thì theo tôi không cần thiết hay mất công sức để làm đặc khu, chưa nói tới xây dựng thành khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Còn về mục tiêu khuyến khích phát triển các ngành công nghệ cao, nếu có thì tôi cho rằng đó phải là Hà Nội hay TP HCM, nơi có đội ngũ nhân lực và điều kiện hạ tầng kết nối khả dụng nhất.

- Hiện tại, các đặc khu đang “sốt đất” khiến các chuyên gia lo ngại về những khó khăn cho các nhà đầu tư, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Theo tôi thực tế đó là bình thường bởi kinh tế thị trường luôn luôn bao hàm các yếu tố đầu cơ vì mục đích lợi nhuận ngắn hạn và Chính phủ có muốn cũng không thể kiểm soát hay hạn chế được.

Tuy nhiên, có điều đáng lo ngại, đó là tình trạng đầu cơ đó lại không phải đến từ quan hệ thị trường mà từ nhà nước hay chính sách vĩ mô. Chừng nào và ở đâu mà chính sách kinh tế chỉ tập trung vào các ưu đãi thì không thể khắc phục được hiện tượng tiêu cực được gọi là “trục lợi chính sách”. Chẳng hạn, chủ trương kéo dài thời hạn thuế đất tối đa tới 99 năm, không còn hợp thời nữa, bởi ai cũng biết không có dự án đầu tư nào trong thời đại công nghiệp 4.0 lại kéo dài tới hàng chục năm, chưa nói tới cả trăm năm. Cho nên, thời hạn sử dụng đất dài như vậy chỉ tạo điều kiện để trục lợi và đầu cơ cả về tài chính và bất động sản mà thôi.

- Ông mong muốn các đặc khu của Việt Nam sẽ phát triển theo định hướng nào?

Tôi vẫn băn khoăn về mục tiêu phát triển đặc khu? Còn điều tôi mong muốn thật sự hơi khác. Đó là cả Việt Nam sẽ trở thành một đặc khu kinh tế của khu vực chứ không phải Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc.
Tại sao? Bởi tính hấp dẫn của Việt Nam gắn với một thị trường đầy hứa hẹn của gần 100 triệu dân và bởi vị thế địa kinh tế của nó hơn là các chính sách ưu đãi nhất thời và phiến diện. Hơn nữa, cả Việt Nam cần phải là một khối thống nhất để cạnh tranh với khu vực và quốc tế trong thu hút đầu tư và phát triển, hơn là tạo ra những khác biệt vùng miền và sự cạnh tranh giữa chính chúng ta.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Huyền Trang thực hiện