Xóa khoảng trống pháp lý trong quy hoạch
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng Cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Điều này giúp bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Tìm “nhạc trưởng” cho 13 “nhạc công”
ĐBQH Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch. ĐB Thanh dẫn chứng, đơn cử như về giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, Luật Quy hoạch quy định về nguyên tắc công khai trong hoạt động quy hoạch.
Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị thì khi chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết phải xin cấp giấy phép quy hoạch hoặc khi cần thông tin về quy hoạch phải xin chứng chỉ quy hoạch, trong khi việc lập quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và thông tin quy hoạch cần phải được công khai cho doanh nghiệp và người dân.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi bổ sung Luật này cần tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đánh giá, sửa đổi 13 luật này sẽ không chỉ kịp thời giải quyết được vấn đề khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và không phải “trông chờ” để chỉnh sửa các luật khác cho phù hợp.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đây là việc làm cần thiết, mặc dù việc chỉnh sửa luật có thể ảnh hưởng đến quy hoạch cũ. Trong quá trình đó, cũng phải tính đến việc còn tồn tại một số quy hoạch cũ còn phù hợp và các dự án đang tiến hành dang dở thì chắc chắn phải tuân thủ theo luật cũ. Vì xét cho cùng, đây là lộ trình theo pháp luật, không phải luật ra đời là có hiệu lực ngay để áp dụng. Nhưng chúng ta không thể không sửa, bởi bây giờ đã có “nhạc trưởng” rồi thì các “nhạc công” khác đều phải đi theo. Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, quy định là phải sửa đổi thì sẽ không thể khác được.
Sẽ có “khe hở” giữa cũ và mới
Vẫn theo ông Nhưỡng, sẽ có khe hở giữa các quy hoạch cũ và mới thì phải xử lý theo khía cạnh pháp lý và khía cạnh thực tế. Có thể phải chấp nhận thiệt thòi, thậm chí mất chi phí nhưng phải báo cáo rất rõ để tránh tình trạng lợi dụng việc đó để tham nhũng, và không thực hiện theo đúng chủ trương đã đề ra.
Khi luật này có hiệu lực, ông Nhưỡng đánh giá chắc chắn sẽ giảm bớt đi các khâu, thủ tục. Nhưng có những vấn đề phải đảm bảo chặt chẽ hơn, vì trong quá trình thực hiện dự án tùy theo loại dự án quy hoạch trung ương, cấp tỉnh cũng sẽ có điều kiện khác nhau.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) tỏ ra lo ngại vì nguyên tắc hoạt động của Luật Quy hoạch là đảm bảo thứ bậc trong quy hoạch. Tức là quy hoạch cấp dưới phải đồng bộ với quy hoạch cấp trên. Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm có: Quy hoạch cấp quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Luật Quy hoạch là luật khung về mặt quy hoạch. Các luật khác có liên quan đến quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Quy hoạch..
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: Tạo sự thống nhất trong các văn bản pháp luật Việc ban hành Luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch là việc làm cần thiết và nhanh chóng được thực hiện. Bởi sự ra đời của Luật này sẽ tránh tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030. Luât sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh: Phải làm rõ khái niệm quy hoạch vùng tỉnh Tại dự thảo sửa 13 luật liên quan đến quy hoạch xuất hiện một khái niệm khá lạ là “quy hoạch vùng tỉnh”. Vậy “quy hoạch vùng tỉnh” so với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện... khác nhau ở chỗ nào? Tôi cho rằng, thực chất đây là quy hoạch chuyên ngành xây dựng của một số khu vực đặc biệt trong một tỉnh và “quá chi tiết, phức tạp để có thể tích hợp vào quy hoạch tỉnh”. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về định nghĩa, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần thẩm tra rất kỹ và nêu rõ quan điểm nếu Luật Quy hoạch không có quy định về “quy hoạch vùng tỉnh” thì không nên đưa thêm khái niệm này vào, tránh tạo ra sự chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. |