Cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng

Vân Du 13/06/2018 14:00

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã đề xuất như vậy tại phiên thảo luận ngày 13/6 về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn)

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn)

Hiện tượng "gửi giá, lại quả" xuất hiện ngày càng nhiều

Qua theo dõi các vụ án thời gian qua, đại biểu Thủy cho rằng tham nhũng không chỉ xuất hiện trong khu vực nhà nước, các hiện tượng sân sau, gửi giá, lại quả đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.

Do đó, đại biểu Thủy cho rằng, đã đến lúc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Bước đầu chỉ áp dụng với loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội. Tuy nhiên, đi vào các quy định cụ thể của dự thảo cho thấy còn có những quy định chưa khả thi, có những quy định sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đại biểu Thủy, trong khi đối với khu vực nhà nước, dự thảo dành tới 110 điều luật để quy định cụ thể những việc mà cơ quan, đơn vị, công chức phải làm hoặc không được làm, thì đối với khu vực tư, dự thảo lại giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp tự căn cứ vào các quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước để ban hành quy định áp dụng cho doanh nghiệp mình.

“Điều này rất khó cho doanh nghiệp bởi ngay quá trình xây dựng luật là quy định nào chỉ áp dụng cho khu vực công, quy định nào áp dụng cho cả khu vực công và khu vực tư. Liệu rằng các doanh nghiệp có phải định kỳ tổ chức họp báo để thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, thông tin về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã áp dụng như quy định tại Điều 12 đối với các cơ quan nhà nước hay không?” – đại biểu Thủy nêu vấn đề.

Theo bà, quy định như vậy là chưa phù hợp với nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó là: cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà luật cho phéo. Cá nhân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà luật không cấm. Muốn đặt ra khuôn khổ đối với cá nhân, doanh nghiệp, nhà nước phải quy định cụ thể vào trong luật.

Vẫn theo vị đại biểu này, cùng với việc giao cho các doanh ngiệp tự ban hành quy định về phòng, chống tham nhũng, dự thảo cũng giao trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra các cấp tiến hành thanh tra doanh nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ về thanh tra lại căn cứ theo các quy định do doanh nghiệp tự ban hành.

“Điều này sẽ mâu thuẫn với Điều 3 của Luật Thanh tra, đó là căn cứ để thanh tra là các quy định của pháp luật. Mặc khác, thực tế thực hiện cũng sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn bởi ngay các cơ quan thanh tra cũng sẽ không biết phải dựa vào đâu để kết luận quy định do doanh nghiệp ban hành là phù hợp hay không phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng”. – đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Theo bà, với cách quy định không chặt chẽ như dự thảo, không chỉ ra được các nghĩa vụ cụ thể mà doanh nghiệp phải thực hiện thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhũng nhiễu doanh nghiệp, điều mà Chính phủ đang phải hàng ngày, hàng giờ tháo bỏ cho doanh nghiệp hiện nay.

Đối với vấn đề kê khai tài sản, theo đại biểu Thủy, dự thảo giao trách nhiệm cho khu vực tư phải căn cứ vào các quy định về kê khai tài sản đối với các công chức để ban hành quy định về kê khai tài sản đối với người quản lý doanh nghiệp mình.

Theo đó, những người này phải kê khai cả tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên. Khi có thu nhập trong năm tăng từ 300 triệu trở lên thì phải kê khai bổ sung và giải trình nguồn gốc tài sản như áp dụng đối với công chức.

“Chúng tôi nhận thấy đây là hai diện chủ thể hoàn toàn khác nhau. Một bên là công chức, những người được giao sử dụng quyền lực công và quản lý nguồn lực công với một bên là các doanh nhân, các nhà kinh doanh trong khu vực tư lại đang được Dự thảo ứng xử như nhau, đều phải thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản và giải trình tài sản. Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định này, nhất là tác động đến chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp”. – đại biểu Thủy đề nghị.

Mặc khác, theo dự thảo sẽ có 1.800 công ty đại chúng và 128 tổ chức tín dụng ngoài nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó sẽ có rất nhiều công ty đại chúng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, 57 ngân hàng và chi nhánh là 100% vốn của nước ngoài.

“Vậy, vấn đề đặt ra là khi các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu kê khai không trung thực thì liệu doanh nghiệp có phải ra nước ngoài để xác minh tài sản của họ hay không? Kinh phí ở đâu để chi trả cho việc này hay hạch toán vào kinh phí của doanh nghiệp. Việc xác minh tài sản của vợ, con họ tại nước ngoài liệu có được pháp luật quốc gia đó cho phép hay không? Nếu doanh nghiệp không ra nước ngoài để xác minh tài sản thì trách nhiệm của doanh nghiệp trước pháp luật sẽ như thế nào đều chưa được dự thảo làm rõ”. – đại biểu Thủy nêu vấn đề.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm sao “phát lộ” tài sản bất minh?

    11:00, 13/06/2018

  • Thuốc trị tham nhũng và công thức... đo đếm lòng trung thực

    13:36, 13/06/2018

  • Luật chống tham nhũng không phải "con dao" duy nhất “cắt dây” tham nhũng

    12:04, 13/06/2018

  • “Khoanh vùng” chống tham nhũng với người có chức, có quyền

    11:30, 13/06/2018

  • Đại biểu Quốc hội đề nghị có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng"

    10:47, 13/06/2018

  • Hoàn thiện cơ quan chuyên trách chống tham nhũng

    10:30, 13/06/2018

Làm gì để kiểm soát tài sản hiệu quả?

Về kiểm soát tài sản, quy định về kiểm soát tài sản được thể hiện tại Chương III của dự thảo với 5 nội dung, trong đó có nội dung xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực và tài sản không giải trình được nguồn gốc với mức thu là 45%. Với khu vực tư thì Điều 99 của dự thảo giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp tự căn cứ vào các quy định này để ban hành quy định về kiểm soát tài sản, trong đó có việc xử lý tài sản đối với người quản lý doanh nghiệp.

“Qua tiếp xúc với các cử tri thuộc khối doanh nghiệp bày tỏ sự băn khoăn với quy định này và cho rằng đây là các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, những người quản lý doanh nghiệp không phải là công chức, công bộc trong bộ máy nhà nước, họ là những nhà kinh doanh, nếu họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, họ không có các hành vi phạm tội, nguồn vốn của các cổ đông, của người gửi tiền đang được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, nhưng chỉ vì họ kê khai tài sản không đầy đủ hoặc không giải trình được đầy đủ tài sản của mình mà bị xử lý 45% như công chức theo các doanh nghiệp là không phù hợp và không phải là cách làm của các nước trên thế giới”. – đại biểu Thủy nói.

Về kinh nghiệm quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước cũng quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhưng cho đến nay chưa có pháp luật của nước nào quy định người quản lý doanh nghiệp tư phải kê khai tài sản và bị xử lý tài sản, nếu kê khai không trung thực. Đặc biệt, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên, tại Điều 12 quy định 6 biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư cũng không đặt ra các trách nhiệm và nghĩa vụ này đối với doanh nghiệp.

“Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư chính là hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy liêm chính, thiết lập đạo đức kinh doanh và trong bối cảnh lần đầu tiên chúng ta mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Chúng tôi đề nghị cần phải đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sẽ áp dụng lên khu vực này, làm từng bước, khả thi, chỉ rõ những nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện và đặc biệt là tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Các biện pháp áp dụng đối với khu vực tư phải thiên về các biện pháp kinh tế, các biện pháp thị trường, chứ không phải là các biện pháp hành chính như áp dụng đối với các cơ quan nhà nước”. – Đại biểu Thủy đề nghị.

Vân Du