Nông nghiệp công nghệ cao Nghệ An: Trên thông chủ trương, dưới tắc nguồn vốn
Chi phí để đầu tư máy móc, phương tiện sử dụng vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) rất lớn trong khi đó doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Ông Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học công nghệ Nông nghiệp Thành An có địa chỉ tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết: "Cách đây khoảng 5 năm về trước, để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có nơi vùng đệm rừng Quốc gia Pù Mát, chúng tôi đã cố gắng tìm tòi, học hỏi quy trình chế biển sản phẩm trà dược liệu tại địa phương."
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tiến hành làm các thủ tục để thuê lại đất của lâm trường và người dân để nhân giống, gieo trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, dây thìa canh, mướp đắng rừng, hà thủ ô, đinh lăng… theo tiêu chuẩn Good Agricultural and Collection Practices (GACP), áp dụng công nghệ phơi nguyên liệu bằng năng lượng mặt trời để giữ nguyên tối đa hàm lượng dược liệu trong sản phẩm. Chính vì vậy, việc phải đầu tư máy móc, phương tiện phải cần một nguồn vốn rất lớn.
Tuy nhiên, do chưa được tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nên doanh nghiệp đang phải huy động bìa đất gia đình, người thân để thế chấp ngân hàng với số vốn rất khiêm tốn, chưa đủ để đầu tư phát triển đại trà.
“Ngoài ra, khi tiến hành lập dự án quy hoạch xin được thuê đất thì doanh nghiệp không được ưu tiên như chủ trương của cấp trên. Đất không có để nhân rộng vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải thuê lại của dân trong tâm thế rất bấp bênh” - ông Diện cho biết.
Theo ông Phan Nguyên Hùng – Trưởng phòng kế hoạch và tài chính (Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An) cho rằng: “Khó khăn lớn nhất để nhân rộng và phát triển các mô hình, vùng miền sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của Nghệ An đó là nguồn vốn đầu tư. So với các tỉnh khác, Nghệ An cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng nhưng nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này rất thiếu”.
Ông Phan Nguyên Hùng cũng cho biết thêm, việc ban hành chính sách ưu tiên nguồn vốn, chính sách cho nông nghiệp ứng dụng CNC ở Nghệ An vẫn còn gặp khó vì thực tế Luật Công nghệ cao ra đời từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định hay Thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Việc ban hành chính sách ưu tiên nguồn vốn, chính sách cho nông nghiệp ứng dụng CNC ở Nghệ An vẫn còn gặp khó vì thực tế Luật Công nghệ cao ra đời từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định hay Thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Điều này cũng khiến cho các địa phương khó ban hành văn bản, chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp CNC.
Được biết, từ năm 2010, Nghệ An cũng đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tính đến năm 2020. Năm 2014, đề án phát triển cây, con chủ yếu, gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng được ban hành.
Thế nhưng, việc triển khai đề án này đến nay cũng chỉ mang tính chung chung, chưa thực sự đi vào thực tiễn.