BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài tại Việt Nam: Hiểu sao cho đúng?

Việt Nga 18/07/2018 18:30

Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung quy định, từ ngày 1/1/2018, mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, đối tượng áp dụng “là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.

 Lao động người nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao su Bến Thành

Lao động người nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao su Bến Thành

Lao động nước ngoài đóng 8% lương

Theo dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BHXH, người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải đóng BHXH bắt buộc.

Các chế độ BHXH bắt buộc gồm 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp - tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất. Tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định.

Hàng tháng, NLĐ nước ngoài sẽ đóng BHXH với mức đóng 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động nước ngoài phải đóng tối đa bằng 18% tháng lương trả cho NLĐ, gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; tối đa 1% vào quỹ bệnh nghề nghiệp – tai nạn lao động; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Nguy cơ cắt giảm việc làm

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), việc dùng tiền lương được sử dụng làm cơ sở tính mức đóng BHXH sẽ tăng gánh nặng chi phí lao động cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các chuyên gia ước tính rằng các khoản gia tăng chi trả cho BHXH có thể dẫn đến việc cắt giảm 371.000 việc làm, chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, công ty cổ phần và các công ty TNHH. Khoảng 110.000 việc làm sẽ bị cắt giảm trong ngành dệt may, 105.000 việc làm trong sản xuất và 59.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ.

Ngoài ra theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát Triển Mê - Kông (MDRI), khoảng 50% doanh nghiệp phản hồi quy định sẽ dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực, trong khi 32% cho rằng “không ảnh hưởng”. 6% tin rằng đó là một bước đi tích cực.

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài

Đây là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập sâu trong chương trình Giao lưu trực tuyến “Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu an sinh bền vững” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, cải cách chính sách BHXH là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội của đất nước. Nghị quyết số 28/NQ-TW đã đề cập đến những vấn đề mà người lao động quan tâm và kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay. Một trong những nội dung cải cách đầu tiên được nêu tại Nghị quyết là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.

Hiện nay, chính sách BHXH nói riêng và hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung vẫn mang tính đơn lẻ và thiếu tính kết nối. Từ đó dẫn tới hệ quả là trên thực tế vẫn còn nhiều những khoảng trống chính sách mà ở đó người dân chưa nhận được sự bảo vệ, sự đảm bảo an toàn và an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước.

Chính vì thế, trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định: Tầng 1 là tầng trợ cấp hưu trí xã hội. Tầng thứ hai là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tầng thứ ba là tầng Bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Việt Nga