Lúng túng xử lý tài sản bất minh

Phan Nam 20/07/2018 12:03

Dù đề cập tới 6 phương án nhưng việc xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, sau rất nhiều phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng, cơ quan thẩm tra và cơ quan trình thống nhất chọn phương án đánh thuế thu nhập cá nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Xử lý tài sản bất minh: Nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý hình sự

    20:17, 13/06/2018

  • Ông Phạm Trọng Đạt: Chứng minh tài sản bất minh rất khó

    16:37, 13/06/2018

  • Đại biểu Quốc hội “hiến kế" xử lý tài sản bất minh

    12:24, 13/06/2018

  • Tài sản bất minh phải bị tịch thu

    06:00, 30/04/2018

  • Tài sản bất minh, đóng thuế là êm?

    05:29, 27/04/2018

Thiếu căn cứ pháp lý

Theo phương án này, nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Tuy nhiên, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho rằng: Phải là thu nhập hợp pháp thì mới đánh thuế. Kê khai không trung thực thì đầu tiên là kỷ luật, còn tài sản thì xử lý theo quy định hiện hành. “Nếu chứng minh được là hợp pháp thì thu thuế, còn có dấu hiệu phạm tội thì chuyển sang xử lý hình sự, chứ tài sản không rõ nguồn gốc mà chuyển sang thu thuế ngay thì không được, hơn nữa cũng không có căn cứ nào mà thu 45%” - ông Phàn nhìn nhận. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng đề cập 4 cách xử lý: hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế.

“Theo pháp luât dân sự thì cái khó là không có nguyên đơn, bị đơn.

Theo phương án xử lý về kinh tế thì thuế là cách có nhiều ưu điểm. Chính phủ cũng bàn mãi, Thủ tướng và Phó Thủ tướng thường trực họp nhiều lần và trình phương án như dự thảo, thời điểm này giải pháp như Uỷ ban Tư pháp đưa ra có nhiều ưu điểm nhất.”- ông Hưng chia sẻ.

Điều 59 dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý là áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề cập 6 phương án. Đó là, thông qua con đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thuế. Phương án thứ sáu là không có phương án gì, tức là thực hiện như luật hiện hành.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu rất kỹ, định dạng chỉ có 6 phương án đó thôi. Sau khi trao đổi, hội thảo, xin ý kiến, cuối cùng thấy phương án thu thuế có nhiều yếu tố phù hợp, áp dụng được với Việt Nam nên đi sâu vào phương án này” - ông Khái cho biết.

Cũng theo Tổng thanh tra, loại tài sản mà Nhà nước không chứng minh được vi phạm, không chứng minh được thuộc sở hữu của Nhà nước, còn người giải trình đã giải trình nhưng không hợp lý thì rất khó xử lý. Xử hình sự không được, dân sự cũng khó, hành chính cũng không xong. Nếu xử theo con đường hành chính - tư pháp thì phải có pháp lệnh.

Chưa thuyết phục

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thừa nhận điều 59 là vấn đề khó nhất, tham khảo kinh nghiệm thì mỗi nước lại có cách xử lý khác nhau.

Khuyến nghị của Cơ quan chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) cũng coi việc thu thuế đối với tài sản, thu nhập chưa chứng minh được nguồn gốc hợp pháp là một phương thức thu hồi tài sản thay thế. Mặt khác, phương án này đã phân định được rõ ràng cách thức xử lý phù hợp đối với những tài sản, thu nhập qua xác minh, kết luận có tình trạng pháp lý khác nhau.

Cũng có phương án khác do đại biểu Quốc hội đề xuất là quy định cụ thể hơn theo hướng, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sau khi có kết luận phải phân biệt rõ: nếu tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có, tài sản, thu nhập chưa nộp thuế thì thu thuế thu nhập cá nhân.

Thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về PCTN, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay và có tính khả thi nhất. Tuy nhiên, phương án thu thuế còn nhiều tranh cãi và chưa thực sự thuyết phục.

Nếu nhìn rộng hơn, điều 59 dự thảo Luật PCTN là không đủ, cần sự điều chỉnh của các luật khác như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và đặc biệt là sự giám sát chặt chẽ, có hiệu quả của của các tổ chức, cơ quan quản lý. Bởi bản chất của dự thảo Luật PCTN cũng như mong muốn của người dân là phòng hơn chống, để tình trạng tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc không xảy ra.

Phan Nam