Dời đường sắt khỏi nội thành Hải Phòng: Chưa có mới, sao vội “nới cũ”
Đã nhiều lần, thành phố Hải Phòng muốn khai tử hơn 10km đường sắt khỏi nội thành. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa ngắt kết nối đường sắt với cảng biển khi chưa có phương án mới.
Được ra đời trên 100 năm thì có đến 80 năm trước, đường sắt Hải Phòng chiếm thế thượng phong trong vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng.
Đường sắt Hải Phòng ăn vào tiềm thức người Hải Phòng ngay cả đến sự khó chịu của nó.
Theo một nhà sử học gắn bó nhiều năm với Hải Phòng thì đường sắt Hải Phòng không chỉ đơn thuần mang giá trị kinh tế mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử. “Nếu lấy lý do gây ách tắc giao thông nội đô, các nhà chuyên môn hoàn toàn có thể xây dựng hầm chui đường sắt tại các nút giao, như nút giao Trại Chuối đã làm trước đó”, nhà sử học này phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao đường sắt Hải Phòng vẫn “ì ạch”?: Kỳ II - Bỏ thì thương, vương thì... bế tắc!
05:40, 04/03/2018
Vì sao đường sắt Hải Phòng vẫn “ì ạch”
15:49, 28/02/2018
Trong nhiều giải pháp tìm nhằm kết nối đường sắt tại khu vực cảng Hải Phòng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu không dỡ bỏ đường sắt trong nội đô Hải Phòng đi ra cảng biển và xây dựng phương án sử dụng sau này.
Tháng 4/2018, Bộ GTVT đã có cuộc họp bàn về quy hoạch đầu kỳ tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trường Bộ GTVT nhận định đây là tuyến quan trọng bậc nhất về vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt Việt Nam.
Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có đường sắt đi qua mà còn kết nối giao thông, giao thương quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc.
Đồng thời giải phóng được lượng hàng hóa khu vực đầu mối ở phía Bắc đồng bằng Bắc bộ nói chung, khu vực cảng Hải Phòng nói riêng. Bên cạnh đó, thu hút được hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi Trung Á, châu Âu và ngược lại.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ được xây dựng mới với khổ ray 1.435mm. Chiều dài toàn tuyến khoàng 391km.
Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt cũ vẫn tồn tại để vận tải hàng hóa. Theo đó điểm đầu của tuyến đường sắt này sẽ là khu vực Km 0 của cao tốc bám theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tới khu vực Đình Vũ của Hải Phòng.
Tiếp đó là các tuyến đường sắt bám theo cầu Bạch Đằng sang tỉnh Quảng Ninh và tuyến bám theo cầu Tân Vũ – Lạch Huyện sang khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Hai ga hành khách chính sẽ nằm ở 2 đầu của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để từ đây hàng hóa, hành khách phân phối đi các địa bàn.
Viễn cảnh là vậy nhưng lộ trình cho tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai mới này vẫn chưa xác định. Chưa kể, nguồn vốn đầu tư cho dự án này rất lớn. Như vậy, có thể thấy không thể ngắt kết nối đường sắt với cảng biển, nhất là với hệ thống cảng biển Hải Phòng.
“Việc dỡ bỏ tuyến đường sắt qua nội thành Hải Phòng cần phải được xem xét kỹ. Ở thời điểm hiện tại chưa thể khai tử tuyến đường sắt này khi chưa xây dựng tuyến mới. Vả lại, việc dỡ bỏ hay không còn do Bộ GTVT trình Chính phủ quyết định theo Luật đường sắt” – một chuyên gia cho biết.