Âu tàu trăm tỷ hứng bão (Kỳ II): “Không thể làm khác được”
Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy – Bùi Thế Dân cho rằng, việc thiết kế cửa ra vào hướng khu neo đậu Thái Thượng quay hướng Bắc là “việc không thể làm khác đi được”.
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) dự án, vị trí khu neo đậu nằm ở bờ Nam của sông Diêm Hộ, mà khu neo đậu phải nối với sông, do đó cửa vào bắt buộc phải quay ra sông – hướng Bắc. Hơn nữa, luồng cửa vào khá nhỏ, đáy luồng chỉ rộng 40m và dài 260m nên khi tàu thuyền ra vào, mức độ nguy hiểm gây lật thuyền không phải là nghiêm trọng.
Điểm bất lợi là trống trải
Lý giải về việc âu tàu trăm tỷ mà ngư dân không chịu neo đậu, ông Dân cho rằng: “Ngư dân không muốn vào khu neo đậu Thái Thượng hàng ngày là do nếu vào neo đậu trong đó, ngư dân sẽ phải lên bờ và đi bộ hơn 4km mới về được tới nhà.
Đồng thời, do khu neo đậu Thái Thượng chưa phát triển việc thu mua, chế biến hải sản, chưa có các dịch vụ cung cấp xăng dầu, đá lạnh…”
“So sánh với cảng cá Tân Sơn, đoạn luồng từ sông Diêm Hộ vào cảng cá Tân Sơn cũng chảy theo hướng Nam - Bắc, nhưng tàu thuyền vẫn vào trong cảng cá Tân Sơn neo đậu mà chưa bao giờ bị lật thuyền. Hiện tại, điểm bất lợi của khu neo đậu Thái Thượng là địa hình trống trải, chưa có rừng cây chắn sóng bao quanh” – ông Dân cho biết.
Theo quy hoạch khu neo đậu đã được phê duyệt, phía bờ Đông, Tây, Nam khu neo đậu có quy hoạch dải cây xanh chắn gió với độ dày 15-20m.
Mặt khác, diện tích trồng cây xanh khu vực này đã nằm trong chương trình trồng rừng của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, việc trồng rừng vẫn chưa được thực hiện. Mặc dù, UBND huyện Thái Thụy đã nhiều lần đề nghị Sở Nông nghiêp sớm cho việc trồng cây chắn gió khu vực neo đậu Thái Thượng.
Sử dụng khu neo đậu làm cảng cá
Năm 2016 UBND tỉnh Thái Bình đã đồng ý giao cho Công ty CP Đại Dương quản lý, khai thác khu neo đậu Thái Thượng. Công ty được lập dự án đầu tư các hạng mục công trình sản xuất kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu đất trống đã san lấp giai đoạn 1.
Trao đổi với PV Báo DĐDN, ông Phạm Quang Khải – Phó TGĐ Công ty CP Đại Dương cho biết: “Công ty đã có văn bản đề nghị thực hiện dự án gửi tới các cơ quan, ban ngành. Dự kiến dự án được triển khai trên diện tích 50.544 m2, đầu tư mới cơ cở hạ tầng kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Có thể bạn quan tâm
Trăm tỷ bỏ không, âu tàu hứng bão
11:05, 10/08/2018
Hà Tĩnh: Khu neo đậu tàu thuyền 8 năm chưa hoàn thành
06:16, 03/08/2018
Quảng Bình “tắc” khu neo đậu tàu
17:03, 14/08/2017
Tuy nhiên, sau khi khảo sát, doanh nghiệp lại cảm thấy khá băn khoăn bởi cơ sở vật chất không đủ, ngoài cái xác nhà thì không có gì nữa. Nhà nước đầu tư âu tàu tránh trú bão, nhưng chưa có rừng chắn gió, điện chiếu sáng chưa đảm bảo, trụ neo không có thiết bị chống va đập,… Trong khi ngư dân thì không chịu vào tránh trú, chúng tôi khai thác như thế nào được?” – ông Khải bày tỏ.
Vì vậy, Công ty đề nghị với UBND huyện Thái Thụy trong thời gian không sử dụng âu tàu Thái Thượng làm nơi tránh trú bão, tùy theo điều kiện cụ thể, được phép cho thuê cơ sở hạ tầng để hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Thế nhưng, đến nay khu neo đậu chưa được bàn giao cho Công ty Đại Dương, UBND huyện Thái Thụy vẫn chưa làm xong hợp đồng.
Được biết, ngày 8/9/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1349/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá dọc bờ biển từ Quảng Ninh – Kiên Giang (gồm 115 khu neo đậu), trong đó có khu neo đậu Thái Thượng.