Có nên hợp pháp hóa tín dụng đen?

CHÂN LUẬN 26/08/2018 11:17

Những đề nghị hợp pháp hóa “tín dụng đen” từ Diễn đàn kinh tế 2018 vừa qua là một điều đáng phải suy ngẫm.

Cuối năm 2015, hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” được Vusta tổ chức thu hút hàng chục nạn nhân. Bần thần, khóc lóc, hoang mang, đó là tâm trạng của những nạn nhân đã “tán gia bại sản” vì tín dụng đen.

p/Bà Nguyễn Thị B. - một trong những người từng

Bà Nguyễn Thị B. - một trong những người từng "sập bẫy" tín dụng đen. Ảnh: THỐT NỐT

Nhưng từ đó đến nay, hầu như những giải pháp để cứu những nạn nhân của “tín dụng đen” hầu như chưa được đưa ra. Và tín dụng đen, thực tế vẫn tồn tại trong đời sống xã hội. Khổ nỗi, tính hai mặt của một vấn đề vẫn cho thấy: “tín dụng đen” ít nhiều vẫn có tác dụng đối với những người cần tiền tức thời.

Không chỉ có vậy, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, chuyên đề thị trường vốn – tài chính ngày 21/8, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt khẳng định: có những công ty 60% nguồn vốn đến từ tín dụng đen.

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp, người dân phải tìm đến tín dụng đen. Từ nhu cầu vốn, các quy định chặt chẽ của ngân hàng và đặc biệt là chính sách lãi suất của ngân hàng. Bởi thị trường “tín dụng đen”, lãi suất rất cao là một lợi thế so với lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Mặc dù, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 đã quy định trần lãi suất không vượt quá 20%, nhưng BLDS lại quy định khi nào người cho vay áp mức lãi suất gấp 5 lần mức trần vượt khung nói trên mới bị xử lý hình sự. Đó cũng là một trong những nguyên nhân pháp lý khiến cho “tín dụng đen” vẫn tiềm ẩn rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.

Nhưng thực tế, có những dịch vụ tài chính hiện nay lãi suất cũng không thua kém gì lãi suất “tín dụng đen”. Điển hình như lãi suất gói tài chính cho vay tiêu dùng. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng mới đây cho hay: từ năm 2007 cho tới cuối năm 2017, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đạt quy mô 646.000 tỷ đồng, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng.

Đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính có thủ tục vay, hồ sơ giấy tờ đơn giản, gọn nhẹ hơn nhưng lãi suất cao hơn. Cụ thể, các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình dao động từ 10 – 25%/năm thì mức lãi suất của công ty tài chính từ 55% đến trên 84%/năm. Mức lãi suất này thực ra đã “ngang ngửa” so với lãi suất trên thị trường tín dụng đen.

Hồi sửa đổi các BLDS, Hình sự năm 2015, nhiều ý kiến đã khuyến cáo trong lĩnh vực cho vay, để hạn chế mặt trái của tín dụng đen, thì BLDS nên tuân thủ nguyên tắc tự nguyện khi quy định lãi suất. Tức là lãi suất do bên vay và bên cho vay tự thỏa thuận. Và chỉ khi nào có những yếu tố lừa đảo, gian lận khi thực hiện các thỏa thuận về lãi suất thì mới bị xử lý.

Nhưng rất tiếc, các khuyến nghị này đã không được tiếp thu và BLDS 2015 vẫn tồn tại những quy định cứng về lãi suất khiến cho thị trường tín dụng đen với lãi suất cao sẽ lâm vào nguy cơ hợp lý nhưng bất hợp pháp.

Bởi vậy, những đề nghị hợp pháp hóa “tín dụng đen” từ Diễn đàn kinh tế 2018 là một điều đáng phải suy ngẫm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định những hành vi lừa đảo, trục lợi, huy động vốn đa cấp trong thị trường tín dụng đen sẽ phải kiên quyết chống. Nhưng không vì thế mà Phó Thủ tướng phủ nhận những thực tế tích cực từ cái gọi là “thị trường đen”. 

CHÂN LUẬN