Chủ tàu vỏ thép... sắp “ra đường” Kỳ I: Tàu nằm chết, tài sản “đội nón” ra đi

Văn Nhất 19/09/2018 18:05

Sau khi được hạ thủy với 4 chuyến đi biển không hiệu quả, con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Dương Văn Thắng đã nằm bờ hơn gần 3 năm nay.

Kể từ đó, các tài sản của gia đình như: Nhà cửa, tàu bè đều lần lượt “đội nón” ra đi mà chưa có dấu hiệu dừng lại.

p/Ngư dân Dương Văn Thắng ngậm ngùi bên “đứa con” của mình.

Ngư dân Dương Văn Thắng ngậm ngùi bên “đứa con” của mình.

Gặp lại chúng tôi sau hơn 1 năm, ngư dân Dương Văn Thắng trú tại khu phố 9, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang, Tháp Chàm (Ninh Thuận) dường như phờ phạc, tiều tụy đi nhiều so với trước, nỗi buồn càng hiện rõ hơn trên khuôn mặt của một thanh niên, một ngư dân trẻ tuổi khi liên tiếp phải đón nhận thêm các tin dữ.

Con tàu “mơ ước”

Không dấu được nỗi thất vọng, anh Thắng liền thông báo ngay cho chúng tôi một tin buồn là “gia đình chuẩn bị “ra bụi ở” rồi các anh ạ”. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên liền hỏi có chuyện gì? Anh Thắng đưa 2 tờ giấy thông báo của Ngân hàng Agribank chi nhánh Đông Mỹ Hải Ninh Thuận, đó là hai tờ giấy thông báo đang phát mãi tài sản ngôi nhà và con tàu gỗ cuối cùng của gia đình anh.

Đây là tài sản mà gia đình đã thế chấp để vay khoản tiền 600 triệu để đi thu mua hải sản. Anh Thắng ngậm ngùi: Sau khi đóng xong tàu và hạ thủy, gia đình chỉ còn 400 triệu, hai chuyến biển đầu đi không hiệu quả, bị thua lỗ nên phải vay thêm 600 triệu để tiếp tục đi thu mua hải sản trên biển, nhưng cũng chỉ sau 2 chuyến nữa thì 600 triệu này cũng đi luôn. Nguyên nhân 4 chuyến biển thua lỗ là do tàu quá rung lắc, bạn hàng sợ tàu vỏ thép đánh hư tàu gỗ nên không dám bán, hầm hàng chứa quá ít so với thiết kế và nhiên liệu hao tổn quá nhiều.

  Ngư dân Dương Văn Thắng chia sẻ “cái nhà cuối cùng, con tàu gỗ cuối cùng thì ngân hàng cũng phát mãi rồi, cuộc sống tới đây của gia đình tôi không biết sẽ đi về đâu”.

Hơn 2 năm nay, con tàu cứ nằm đó, hết đoàn này rồi đến đoàn khác cứ đến xem rồi kết luận tàu được đóng đúng thiết kế mẫu, đóng đúng theo quy định của NĐ 67, thử lui thử tới rồi kết luận rung lắc trong giới hạn cho phép, nhưng ra thực tế trên biển lại không như thế.

Dù tàu nằm bờ hơn 2 năm nay nhưng mỗi tháng anh Thắng phải bỏ ra vài triệu đồng bảo dưỡng. "Mỗi tháng tôi mất 10 ngày để "nuôi" tàu (bơm nước ngọt, nổ máy khởi động, cọ rửa...), 20 ngày còn lại đi bạn tàu cá khác để kiếm sống qua ngày. Cái nhà cuối cùng, con tàu gỗ cuối cùng thì ngân hàng cũng phát mãi rồi, cuộc sống tới đây của gia đình tôi không biết sẽ đi về đâu. Tôi mong các Bộ, ngành, Chính phủ xem xét có ý kiến xử lý về con tàu của tôi" - ông Thắng tha thiết nói.

Tàu lớn không thể vươn khơi

Tàu vỏ thép thu mua hải sản của ngư dân Dương Văn Thắng (Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), được đóng mới theo Nghị định 67 với trị giá hơn 15 tỷ đồng mang tên Hoàng Sa NT - 91234 TS và được hạ thủy vào đầu năm 2016, thế nhưng sau 4 chuyến thu mua hải sản trên biển thì tàu đã nằm bờ gần 3 năm nay.

Tàu vỏ thép thu mua hải sản mang tên Hoàng Sa NT - 91234 TS được Cty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh đóng theo mẫu thiết kế của Bộ NN&PTNT công bố, có chiều dài 28m, chiều rộng toàn bộ 7,96m, chiều cao mạng 3,65m và mớn nước thiết kế là 2,85m được hạ thủy vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, sau 4 chuyến thu mua hải sản trên biển tàu đã lộ rõ nhiều bất cập, hư hỏng, rung lắc và phải nằm bờ hơn hơn 2 năm nay mà chưa có hướng giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

  • Khốn cùng vì tàu vỏ thép

    Khốn cùng vì tàu vỏ thép

    13:27, 25/07/2018

  • Bình Định lại đau đầu với tàu vỏ thép

    Bình Định lại đau đầu với tàu vỏ thép

    08:05, 25/08/2017

  • “Canh bạc” tàu vỏ thép

    “Canh bạc” tàu vỏ thép

    17:05, 24/08/2017

Ngư dân Thắng chia sẻ: Trên tàu thì lớn nhưng phía dưới bị bóp đáy quá nhiều giống hình chữ V nên chỉ cần sóng lớn chút là lắc ngay, nhìn không giống như bảng mẫu chút nào. Lúc đang trong quá trình đóng tàu, gia đình đã nhận thấy nhiều bất cập của mẫu tàu này và đề xuất sửa đổi nhưng đơn vị đóng tàu họ không chịu, họ nói để họ đóng theo bảng thiết kế và rồi hậy quả là như vậy. Gần 20 năm đi biển giờ tôi mới biết cảm giác sợ tàu lắc là gì. Anh Thắng ngậm ngùi nói.

Chưa dừng lại ở đó, anh Thắng còn chia sẻ, theo thiết kế thì tàu của tôi có sức chứa lên đến 250 tấn nhưng thực tế chỉ chứa khoảng 24 tấn là hết sức. Tàu vỏ gỗ của gia đình có công suất 300 mã lực nhưng cũng đã chứa được gần 20 tấn cá, tuy nhiên tàu vỏ thép hậu cần này lên đến 829 mã lực mà cũng chứa được chừng đó thì không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, tàu vỏ gỗ của gia đình chạy từ cảng Cà Ná ra đảo Phú Quý hơn 45 hải lý chỉ mất 300 lít dầu còn tàu vỏ thép thì phải mất cả 1000 lít mà sản lượng thu mua giống nhau thì có phải đi tàu vỏ gỗ hiệu quả hơn không, anh Thắng phân trần.

Văn Nhất