Báo động “đỏ” tình trạng mua bán hóa đơn trái phép

Lê Linh 15/10/2018 15:05

Chưa bao giờ tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lại báo động khẩn cấp như bây giờ. Khi các sự việc bị phanh phui con số lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong thời gian ngắn vừa qua, Công an các tỉnh như Bắc Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng..v..v.. đã triệt phá được những đường dây mua bán hóa đơn GTGT trái phép thu lời bất chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Điển hình, ngày 19/9, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vừa làm rõ đường dây mua bán hóa đơn GTGT trái phép lên tới gần 100 tỷ đồng, do Nguyễn Thị Ngọc (SN 1989, ở xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cầm đầu.

Đối tượng Nguyễn Thị Ngọc tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Nguyễn Thị Ngọc tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Ngọc khai nhận: “Nhận thấy nhu cầu mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào của các doanh nghiệp cao nên đối tượng đã thông qua Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trường Thanh để lấy hóa đơn, bán bất hợp pháp”. Ngọc cũng thừa nhận biết đây là hành vi vi phạm nhưng vẫn “nhắm mắt làm liều”. Nguyễn Thị Ngọc đã ghi trên 100 hóa đơn khống cho khoảng 60 doanh nghiệp với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng.

Ngày 3/8, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thanh Hoá đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng Nguyễn Thị Huyền (SN 1983, trú tại số nhà 44, LK 8 Khu đô thị mới Đông Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) về hành vi mua bán hóa đơn GTGT. Quá trình thực hiện việc mua bán hóa đơn Huyền thu phí từ 12-15% giá trị hàng hóa trong hóa đơn. Khi có kế hoạch kiểm tra của cơ quan quản lý thuế thì Huyền chuyển trụ sở công ty hoặc xin tạm dừng hoạt động để tránh sự kiểm tra phát hiện sai phạm. Với thủ đoạn như vậy, toàn bộ số hoá đơn Huyền bán ra có tổng giá trị gần 300 tỷ đồng gây thất thoát gần 30 tỷ đồng tiền thuế.

Đối tượng Nguyễn Thị Huyền tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Nguyễn Thị Huyền tại cơ quan điều tra.

Khám xét nơi ở của Huyền, Công an TP.Thanh Hoá đã thu giữ 12 con dấu của các công ty và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc mua bán hóa đơn GTGT của Huyền. Quá trình điều tra, Công an TP. Thanh Hóa đã xác minh và thu giữ hơn 60 hóa đơn GTGT do doanh nghiệp Trang Phát Đạt của Huyền viết bán cho các đơn vị mà không có giao dịch hàng hóa thực tế.

Ngày 8/10, Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an TP. Hải Phòng cho biết vừa triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT trong một chuyên án được đơn vị xác lập trước đó trên địa bàn thành phố. Đường dây này đã hoạt động thời gian dài, thu lời bất chính số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Sau 6 tháng liên tục, kiên trì theo dõi, thu thập các tài liệu, chứng cứ. Ngày 2/10, Ban chuyên án nhận được nguồn tin Thanh và Oanh sẽ viết hoá đơn khống để bán cho khách hàng. Ngay lập tức các mũi trinh sát được phân công xiết chặt vòng vây. Đến 11h30’ cùng ngày tại nhà riêng của Bùi Thị Ngọc Oanh, Phòng CSKT với sự phối hợp của các phòng nghiệp vụ Công an thành phố đã bắt quả tang Thanh và Oanh đang bán 3 hóa đơn GTGT khống với số tiền 22.400.000 đồng cho Trần Thị Phương Linh SN 1989, trú ở số 6/8, Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng.

Đối tượng Lê Quốc Thanh tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Lê Quốc Thanh tại cơ quan điều tra.

Qua khám xét, cơ quan điều tra thu giữ tại đây nhiều bộ dấu tròn Công ty; con dấu chức danh Giám đốc; hàng chục quyển hoá đơn GTGT đã ghi và chưa ghi nội dung; trên 10 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các Công ty “ma” do Thanh và Oanh thành lập để thực hiện việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT cùng nhiều tang vật liên quan khác.

Đối tượng Bùi Thị Ngọc Oanh tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Bùi Thị Ngọc Oanh tại cơ quan điều tra.

Qua ba sự vụ trên ta thấy tình trạng buôn bán hóa đơn thực sự đã đạt đến mức báo động “đỏ” bởi khả năng “siêu lợi nhuận” của việc kinh doanh này. Hầu hết các đối tượng đều nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình khi gây thiệt hại cho nhà nước và các doanh nghiệp nhưng vẫn lao vào như “thiêu thân”.

Nền kinh tế nước nhà đang trải qua thời kỳ suy thoái nhất, cả đất nước đều “oằn” mình lên để cùng khắc phục thời kỳ khủng hoảng này nhưng bên cạnh đó các Công ty “ma” này lại mọc lên như nấm sau mưa gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hầu hết các vụ án khi bị triệt phá thì các đối tượng đã thực hiện trót lọt số tiền lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Việc làm này không chỉ làm thất thoát thuế của nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép kinh doanh cần thẩm định chặt chẽ và giám sát hoạt động của doanh nghiệp để tránh tình trạng lập công ty ảo vào mục đích xấu.

Đã đến lúc không chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc sát sao để giám sát tình trạng buôn bán hóa đơn mà bản thân các doanh nghiệp cũng nâng cao ý thức kinh doanh, không tiếp tay cho loại tội phạm này làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung.

Lê Linh