Phòng, chống tham nhũng “quét” cả khu vực tư nhân

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Uỷ viên UB đào tạo Liên đoàn Luật sự Việt Nam 21/10/2018 07:05

Việc mở rộng các quy định về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sang khu vực tư nhân là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, xu hướng chung của thế giới.

Hiện Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực nhà nước mà đã mở rộng sang khu vực doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước với 04 tội danh là: Tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ và tội đưa hối lộ.

 Thứ hạng Nhận thức về Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về Việt Nam. Năm 2017, chỉ số cảm nhận tham nhũngp/của Việt Nam đạt 35/100 điểm đứng thứ 107/180 quốc gia.

Thứ hạng Nhận thức về Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về Việt Nam. Năm 2017, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đạt 35/100 điểm đứng thứ 107/180 quốc gia.

Tuy nhiên, việc mở rộng các quy định PCTN sang khu vực ngoài Nhà nước là những vấn đề còn mới mẻ với Việt Nam, có những sự khác biệt lớn so với PCTN trong khu vực công. Bởi vì, ở đây có sự đan xen, đôi khi khó phân định giữa lợi ích, tài sản chung của doanh nghiệp và lợi ích, tài sản của chính các chủ sở hữu và quản lý doanh nghiệp đó. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa các sai phạm và các cách thức, thủ thuật trong kinh doanh. Do đó, nếu không có các quy định hợp lý, thì sẽ dễ dẫn dến việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là việc hình sự hoá hoá các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại khiến các nhà đầu tư, doanh nhân rơi vào tâm lý bất an ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ nhất, hiện các quy định về PCTN trong khu vực tư nhân vẫn còn khá rời rạc, nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp quy khác nhau với những nội dung chưa đầy đủ và thiếu thống nhất. Do đó cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ, thống nhất từ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật PCTN, Bộ Luật hình sự… Đối với Luật PCTN thì dự thảo sửa đổi mới chỉ dành một chương VIII để quy định về PCNT trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước….Nên nghiên cứu và xây dựng một văn bản pháp lý độc lập, riêng biệt về Luật PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước. Qua đó mới đảm bảo được tính chi tiết, rõ ràng, đầy đủ của các quy định pháp lý về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Phòng chống tham nhũng: Cần đề cao vai trò của báo chí, nhân dân

    Phòng chống tham nhũng: Cần đề cao vai trò của báo chí, nhân dân

    16:35, 13/06/2018

  • Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu tạm đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu tham nhũng: “Bịt lỗ hổng” trong phòng chống tham nhũng

    Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu tạm đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu tham nhũng: “Bịt lỗ hổng” trong phòng chống tham nhũng

    18:26, 29/05/2018

  • Phòng chống tham nhũng trong DN: Kỳ II - “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

    Phòng chống tham nhũng trong DN: Kỳ II - “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

    15:26, 22/12/2016

Thứ hai, việc mở rộng các quy định về PCTN sang lĩnh vực tư nhân là vấn đề mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu thực hiện không đúng và đầy đủ sẽ làm hạn chế quyền tự chủ và tự do kinh doanh, phát sinh thêm các thủ tục, gây phiền hà không cần thiết cho các doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước. Cần tập trung vào các doanh nghiệp, tổ chức quy mô lớn, các Cty đại chúng, tổ chức tín dụng và tài chính…

Thứ ba, hiện nay, việc hiểu biết pháp luật và nhận thức về công tác PCTN trong lĩnh vực tư nhân còn hạn chế, chưa được coi trọng. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân về PCTN thì các cơ quan chức năng cũng cần phải xây dựng quy tắc, hướng dẫn mẫu về công tác PCTN…

Thứ tư, PCTN trong khu vực tư là một lĩnh vực phức tạp, có đối tượng điều chỉnh rất lớn, có sự ảnh hưởng mạnh đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, để đảm bảo chuyên nghiệp, hiệu lực thì công tác này nên có cơ quan chuyên trách.

Vì vậy, việc mở rộng các quy định PCTN sang khu vực tư nhân là cần thiết nhưng không thể nóng vội mà chúng ta cần làm từng bước, có sự nghiên cứu và xem xét hết sức cẩn trọng.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Uỷ viên UB đào tạo Liên đoàn Luật sự Việt Nam