Giải pháp nào chống thất thu thuế?
Công tác quản lý nợ thuế có nhiều khó khăn, trong đó, nợ không có khả năng thu hồi đã chiếm tới hơn 43% (82.961 tỷ đồng) bao gồm cả nợ và tiền phạt chậm nộp.
Đây là trăn trở của ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ngay trước phiên báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV.
Khó thu hồi nợ thuế
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, nợ thuế đến 30/9/2018 đã tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh) là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền thuế nợ tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.
Báo cáo của Chính phủ chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến số thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi nói trên. Thứ nhất, một số người nộp thuế trong quá trình tham gia kinh doanh được pháp luật coi là đã bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, không thanh toán được nợ thuế... Do đó, cơ quan thuế không thực hiện được việc thu nợ cũng như xóa nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Tính đến 31/12/2017, có 1.818 người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng.
Thứ hai, một số người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh do nguồn vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, khi tình hình kinh tế gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Phá sản, cơ quan thuế đã cưỡng chế đến biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.
Mục tiêu hơn 1 triệu tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính về nợ thuế 9 tháng đầu năm 2018, cơ quan thuế đã xử lý thu hồi được 25.382 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế. Ông Nguyễn Đại Trí cho biết, ngành Thuế xác định công tác thu hồi nợ thuế là một nhiệm vụ trọng tâm. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018 (1.070.200 tỷ đồng), bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm đến nay, cùng với việc bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp ủy, UBND các cấp để chủ động triển khai chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018, Tổng cục Thuế thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, đặc biệt trong công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế và công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế.
Để giải quyết vấn đề nợ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, xử lý nợ thuế đảm bảo hành lang pháp lý, tính nghiêm minh của pháp luật, phục vụ tốt cho công tác xử lý thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế. Mục tiêu đến hết năm 2018, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý không vượt quá 69.000 tỷ đồng.