Phân loại doanh nghiệp kiểm tra sau thông quan
Hải quan sẽ phân loại doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) theo 4 mức độ.
Đây là thông tin vừa được Bộ Tài chính công bố tại dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động XNK.
Tập trung kiểm tra doanh nghiệp rủi ro cao
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh, 9 tháng đầu năm 2018, Hải quan đã thực hiện 5.976 cuộc kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), theo đó ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính 1.821,7 tỷ đồng.
Để giảm chi phí, giải phóng sức sản xuất cho doanh nghiệp, rất nhiều lĩnh vực XNK được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm hay nói cách khác là mở rộng diện KTSTQ, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, từ đầu năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo ngành Hải quan thực hiện tối thiểu 1.280 cuộc KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan và đạt số thực thu NSNN qua hoạt động này tối thiểu 2.235 tỷ đồng.
Theo ông Trần Vũ Minh, Phó Cục trưởng Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan), trong quý 4/2018, Cục KTSTQ sẽ chỉ đạo hải quan địa phương kiểm tra các doanh nghiệp, thực hiện kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan năm 2018. Trong đó chú trọng thực hiện kiểm tra các trường hợp doanh nghiệp có rủi ro cao, hoạt động xuất nhập khẩu phức tạp và thực hiện sản xuất, xuất nhập khẩu tại nhiều địa phương khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ cho bảo lãnh thông quan
15:03, 19/09/2018
Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan
12:04, 29/06/2018
Phân loại 4 cấp độ tuân thủ pháp luật
Nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt động KTSTQ, các quy định tại dự thảo hướng đến việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để có những chính sách ưu tiên phù hợp. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ đánh giá phân loại tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hoạt động XNK theo 4 mức độ gồm: Mức 1 (mức độ cao), mức 2 (trung bình), mức 3 (thấp), mức 4 (không tuân thủ pháp luật về hải quan).
Việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được dựa trên các tiêu chí, như số lần bị xử phạt hành chính về vi phạm trong lĩnh vực hải quan, thuế; nợ tiền thuế, chậm tiền thuế. Đáng chú ý, các doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp từng bị xử lý hình sự về các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, trốn thuế hay không cũng được đưa vào làm tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ.
Nghị định 74 /2018 quy định, đối với hàng hóa do cùng doanh nghiệp NK, sau 3 lần NK liên tiếp có kết quả đánh giá tuân thủ sẽ được miễn kiểm tra về chất lượng trong thời hạn 2 năm.
Trên cơ sở đánh giá từng mức độ tuân thủ pháp luật, cơ quan hải quan áp dụng các chính sách ưu tiên phù hợp. Cụ thể, doanh nghiệp tuân thủ mức 1 được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, giảm hình thức, mức độ kiểm tra, giám sát hải quan, KTSTQ đối với hoạt động XNK. Ngược lại, cơ quan hải quan sẽ siết chặt kiểm tra, giám sát, KTSTQ đối với hoạt động XNK của doanh nghiệp ở mức độ 4.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ông Trần Văn Tùng cho biết, theo Nghị định 74/2018 của Chính phủ (về thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa), sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá tuân thủ sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 2 năm. Những phương án nêu trên sẽ thúc đẩy mức độ tuân thủ pháp luật của mình.
Mặc dù đồng tình với việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, nhưng chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho rằng, việc thu thập thông tin các tiêu chí phải bảo đảm trung thực để đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần loại bỏ sự "ưu ái" thiếu căn cứ, tạo kẽ hở cho tiêu cực hay doanh nghiệp lợi dụng.