Hải Phòng: Tràn lan xây dựng không phép

Minh Hương 29/10/2018 05:00

Trong 9 tháng năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện 301/4.306 công trình vi phạm, trong đó 73% số vụ vi phạm không có Giấy phép xây dựng.

Vi phạm với quy mô lớn

Thời gian gần đây, Hải Phòng xôn xao về việc 212 ngôi nhà xây dựng trái phép trên khu vực đất quốc phòng rộng 14,2 ha, thuộc địa bàn phường Thành Tô và Tràng Cát của quận Hải An. Đáng chú ý, tuy vụ án đã được khởi tố từ năm 2017 nhưng tình trạng mua bán, lấn chiếm, xây dựng trái phép tại khu đất này vẫn diễn ra trong sự bất lực của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý là Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng). Thậm chí, nhiều “giang hồ có máu mặt” còn ngang nhiên cát cứ, tự ý phân lô mua bán hỗn loạn tại khu đất này khiến tình hình an ninh xã hội tại đây rất phức tạp.

Hơn 14ha đất tại quận Hải An bị lấn chiếm suốt nhiều năm qua

Hơn 14ha đất tại quận Hải An bị lấn chiếm suốt nhiều năm qua

Sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất này về thành phố quản lý giữa tháng 10 vừa qua, UBND thành phố Hải Phòng đã tập trung xử lý quyết liệt nhằm lập lại trật tự trong hoạt động xây dựng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Công luận đã “lôi ra ánh sáng” một nhóm những cá nhân nguyên là lãnh đạo quân đội và cả người vẫn đang đương chức trong bộ máy chính quyền địa phương. Các đối tượng đã nhận bản án thích đáng từ 30-42 tháng tù. Tuy nhiên vụ việc khiến không ít người ngán ngẩm bởi nếu không có báo chí và dư luận lên án mạnh mẽ thì liệu rằng đến bao giờ lô đất kia mới thôi không bị “xẻ thịt”.

Mới đây nhất, 7ha đất hồ tự nhiên của làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) bị Ban vận động làng ngăn dòng, đắp bờ phân thành 23 chiếc ao lớn, nhỏ cho các hộ dân thuê khoán đã hơn chục năm qua. Nhiều hộ đã đóng thuế, phí hàng năm lên tới gần 30 triệu đồng. Tất cả khoản phí đều do Ban vận động làng Mỹ Lộc tự thu bằng phiếu thu không có dấu và tự chi, không chịu sự dám sát của bất kỳ cơ quan nào. Chỉ đến khi UBND huyện Tiên Lãng có chủ trương quy hoạch quản lý, sử dụng đất, nguồn nước tại khu này thì những sai phạm trên mới lộ rõ.

Sự việc đã lộ rõ chân tướng, vậy mà khi được hỏi về thẩm quyền cho thuê thầu diện tích đầm nói trên của Ban vận động làng là đúng hay sai, Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng cho rằng: "Tôi không bàn luận về điều đó. Đúng hay sai thì các cơ quan chức năng trả lời".

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều sai phạm về trật tự xây dựng được phát hiện tại Hải Phòng. Dù khác nhau về tính chất, quy mô nhưng tất cả đều chung đặc điểm đó là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội: Phát hiện 287 công trình xây dựng không phép

    00:01, 25/09/2018

  • “Tốc độ” xây dựng không phép, trái phép còn rất lớn

    10:25, 16/08/2017

  • Năm 2015, TP.HCM có trên 1.000 trường hợp xây dựng không phép

    17:08, 23/01/2016

  • Xử lý hơn 2.000 trường hợp xây dựng không phép

    00:00, 17/06/2010

Chính quyền làm ngơ?

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tái diễn là bất cập về chính sách, quy định xây dựng, quy hoạch chưa phù hợp thực tế hiện nay. Công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm của chính quyền cấp xã, huyện nhiều nơi còn cả nể, buông lỏng quản lý. Thậm chí, nhiều thửa đất đủ điều kiện xin cấp GPXD hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi làm thủ tục, cán bộ được giao nhiệm vụ thụ lý, giải quyết sách nhiễu, tiêu cực, đòi “bôi trơn”, gây bức xúc. Việc không áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình cố tình vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm khó khăn.

Ông Vũ Thế Thủy Đội trưởng Đội Thanh tra hành chính, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, trong số các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng có đến 73% vi phạm không có GPXD. Cụ thể, trong tổng số 301 trường hợp vi phạm có có 62 trường hợp sai phép, 221 trường hợp không có giấy phép xây dựng và 18 trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng.

Tràn lan những ngôi nhà không phép

Tràn lan những ngôi nhà không phép

Nghịch lý là nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân muốn được cấp GPXD nhưng do thửa đất của chủ công trình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được cấp GPXD. Phần đông người dân ngại xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian phải đóng nhiều thuế.

Quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp GPXD các công trình lớn, mặt các tuyến phố chính liên quan đến nhiều ngành, trong đó có thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết kế, ý kiến của các cơ quan chủ quản đối với công trình liên quan đến quốc phòng, hành lang đê, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ công trình giao thông, hành lang điện... Do vậy, việc cấp GPXD cần nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng, yếu tố then chốt trong công tác quản lý trật tự xây dựng chính là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền và cán bộ phụ trách cấp cơ sở. Cần làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường phụ trách lĩnh vực xây dựng, cán bộ được giao quản lý địa bàn buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, nhưng không xử lý kiên quyết đối với công trình vi phạm.

Minh Hương