Bộ trưởng Bộ Y tế: Dược sĩ “vô tư” cho thuê bằng mở nhà thuốc tràn lan
Thực tiễn có tình trạng nhiều dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc, thậm chí 1 bằng dược sĩ nhưng cho thuê để mở nhà thuốc ở nhiều nơi khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận như vậy trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay (31/10).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Kim Tiến đưa ra 'kiềng ba chân' giải pháp cho ngành Y tế
11:16, 27/10/2018
“Phát súng lệnh” đặc biệt cho ngành Y
11:01, 26/06/2018
Thông điệp của Thủ tướng về ngành Y
21:51, 24/02/2018
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về tình trạng mượn bằng cấp mở các tiệp thuốc tây tràn lan tại nhiều nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn bởi kinh doanh thuốc là loại hình liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, tình trạng này khá phổ biến.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay đã có Luật Dược, các nghị định, thông tư quy định khá chi tiết về việc mở kinh doanh các nhà thuốc, quầy thuốc như: Mở quầy thuốc phải tuân thủ quy định, mỗi bằng cấp dược chỉ được sử dụng một nơi và dược sĩ phải chịu trách nhiệm ở đó. Một bằng dược sĩ chỉ được đứng tên để mở quầy thuốc, nhà thuốc ở một nơi và dược sĩ đứng tên phải chịu trách nhiệm về hoạt động của quầy thuốc, nhà thuốc đó.
"Tuy nhiên, trong thực tiễn có tình trạng nhiều dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc, cá nhân dược sĩ không có mặt, không đứng ở nhà thuốc đó. Thậm chí, có dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc ở nhiều nơi khác nhau trong một tỉnh". - Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận thực trạng.
Theo đó, để xử lý vấn đề này, Chính phủ đã ra Nghị định 176 với nhiều chế tài xử lý mạnh, thậm chí có thể thu hồi giấy phép hoạt động. Do vậy, Bộ trưởng “mong các địa phương phải đẩy mạnh thanh tra, hậu kiểm”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế địa phương, UBND các cấp đều có lực lượng thanh tra, kiểm tra để kiểm tra, phát hiện các vi phạm này. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nên chủ trương là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường hậu kiểm là chính.
"Vì thế, ngành y tế, các địa phương cũng tăng cường các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc". - Bà tiến đề nghị.
Với câu hỏi chất vấn về vấn đề bán thuốc kháng sinh tùy tiện không theo đơn tại các nhà thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là vấn đề mà Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, có hẳn một đề án về bán thuốc theo kê đơn.
Bộ Y tế đã có đề án bán thuốc kê đơn, theo đó tiến tới liên thông hệ thống quản lý giữa các nhà thuốc và cơ quan quản lý, nhằm công khai minh bạch nguồn gốc xuất xứ thuốc, giá cả, bán thuốc theo kê đơn.
Đề án này đang được thí điểm ở 4 tỉnh, đang nhân lên thực hiện tại 16 tỉnh, sau đó sẽ sơ kết và nhân rộng ra toàn quốc.
Theo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế có hiệu lực đối với từng trường hợp cụ thể như sau: Hành vi giả mạo, thuê, mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề: Mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với nhà thuốc tư nhân và từ 10 – 20 triệu đồng đối với cơ sở bán buôn. Hình phạt bổ sung tước chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng. Nhà thuốc vắng mặt các Dược sĩ đứng tên nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo đúng quy định của pháp luật: Mức phạt sẽ từ 5 – 8 triệu đồng Ngoài ra còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 3 tháng Theo Sở Y tế Hà Nội, đối với một nhà thuốc (cơ sở bán lẻ), hay cơ sở bán buôn nếu trong 3 lần kiểm tra liên tiếp mà dược sĩ đều vắng mặt, thì sẽ rút giấy phép hành nghề của cơ sở đó. |