Luân chuyển không kết hợp đề bạt bổ nhiệm để tránh "chạy chọt"
Luân chuyển cán bộ không kết hợp với việc đề bạt để tránh tình trạng “chạy luân chuyển”, đồng thời phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan để xử lý nếu có vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát chặt quyền lực, kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền
01:04, 26/10/2018
Công tác cán bộ: Nói không với chạy chức chạy quyền
20:22, 05/05/2018
Quy định của Bộ Chính trị sẽ ngăn chặn “chạy chức, chạy luân chuyển"
12:33, 17/10/2017
Thi tuyển công chức: Hạn chế chạy chức ?
00:00, 23/02/2014
Bí thư Hà Nội: Chạy chức không dễ như trước
00:00, 09/04/2013
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 1/11.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề luân chuyển cán bộ, ông Lê Vĩnh Tân – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã có ban hành Quy định số 98 ngày 7 tháng 10 năm 2017 về vấn đề luân chuyển cán bộ.
Theo đó, quy định chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý và không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ. Không điều động về Trung ương hoặc về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín sụt giảm và không có triển vọng phát triển.
Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ và trong quy hoạch, có phát triển, có phẩm chất chính trị đạo đức, có lối sống năng lực công tác tốt và phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội.
Với quy định này, tại Kết luận số 24 ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về nguyên tắc điều động phân công, bố trí công tác của cán bộ trung ương luân chuyển thì Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ này cho Ban Tổ chức trung ương chủ trì phối hợp với cấp ủy và các tổ chức vấn đề luân chuyển cán bộ xem xét và đề xuất phương án bố trí cán bộ.
“Theo trách nhiệm của Bộ Nội vụ thì chúng tôi được giao nhiệm vụ sẽ xây dựng cơ chế chính sách thực hiện phương án cán bộ luân chuyển, trong đó có chính sách về vấn đề nhà công vụ, hỗ trợ đi lại, hoạt động phí, vấn đề nhà ở trên địa bàn khó khăn, phụ cấp trách nhiệm…”. – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Để thực hiện nhiệm vụ này, người đứng đầu Bộ Nội vụ đề xuất với ban tổ chức trung ương và các cơ quan có chức năng.
Thứ nhất, cần phải rà soát và thực hiện đúng các đối tượng luân chuyển theo quy định.
Thứ hai, luân chuyển không kết hợp với việc đề bạt, bổ nhiệm để tránh tình trạng chạy luân chuyển, phải bố trí chức danh tương đương thôi.
Thứ ba, phân cấp cho rõ trách nhiệm của cơ quan đề nghị luân chuyển, cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan tiếp nhận luân chuyển và cơ quan thẩm định hồ sơ để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan và có xử lý theo quy định của pháp luật.