Cần bàn tay hữu hình của Nhà nước
Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đã chia sẻ ý kiến trên khi góp ý về dự thảo Luật Chăn nuôi.
Để lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, cần phải tăng cường bàn tay hữu hình của Nhà nước để đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các hộ nông dân đi vào sản xuất lớn, từ đó ứng dụng được khoa học công nghệ vào nông nghiệp, chống được tình trạng phải giải cứu nông sản, kể cả giải cứu thịt heo vừa rồi. Rõ ràng, Chính phủ có cả một hệ thống ban bệ từ sở ban ngành, nhưng hiện việc điều tiết cung cầu chưa rõ.
Vấn đề nữa là Chính phủ phải là cầu nối hộ nông dân với thị trường, chứ không phải là liên kết, lâu nay chúng ta hay nói là cần liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông nghiệp, nhà khoa học, doanh nghiệp) nhưng nếu liên kết nông dân sẽ luôn bị yếu thế, nông dân mà ký với doanh nghiệp thì sẽ bị doanh nghiệp ép cấp, ép giá. Vai trò của Chính phủ ở đây phải là người làm cầu nối, phải giải được bài toán hỗ trợ gì cho nông dân thì mới nâng cao được giá trị gia tăng của lĩnh vực này.
Tiếp đến là Nhà nước phải hỗ trợ các lĩnh vực đầu tư công, ví dụ đầu tư cảng sông, cảng biển cho xuất khẩu, xây dựng đường giao thông kết nối các khu nông trại giúp hàng hóa đến được với nông dân nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Hỗ trợ nông dân như thế nào? Chương quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành chăn nuôi. Cũng giống như nông sản, đầu ra cho chăn nuôi thường bị tư thương ép cấp, ép giá nên vấn đề là cung cấp thông tin, chứ nông dân đâu biết trồng cây gì, nuôi con gì, nông dân không biết sẽ bị tư lái lừa,… Chính phủ có cả hệ thống xuống tận phường xã mà không định hướng cho người nông dân. Cho nên, trong kinh tế thị trường có điều tiết bởi bàn tay hữu hình nhưng chưa thể hiện rõ.
Về việc định hướng nông nghiệp ứng dụng công nghiệp 4.0, chúng ta cần tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất lớn, chuyên nghiệp, sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn hay trang trại thì lúc đó mới có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa tổ chức lại sản xuất mới đầu tư được khoa học công nghệ, việc đầu tư cho khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất là quan trọng, cho nên lâu nay sản phẩm Việt Nam tăng giá trên thị trường rất thấp. Hiện Việt Nam ăn gạo nước ngoài, dùng giống lúa của nước ngoài, nên cần đầu tư cho khoa học công nghệ chính sách đầu tư trong nông nghiệp và phải xác định nông nghiệp là ưu thế và lợi thế cạnh tranh nhất của Việt Nam, và chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển việc này.