Hội nhập: Giá trị bằng cấp của Việt Nam ở đâu?
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) băn khoăn về giá trị bằng cấp của Việt Nam ở đâu trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Theo ĐB Hạnh, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, Luật Giáo dục sửa đổi cần chú ý những vấn đề trên để nền giáo dục của Việt Nam sẽ mang tính liên kết và hội nhập cao hơn.
ĐB Hạnh cho biết, trong Luật có quy định điều khoản về hội nhập quốc tế.
“Như vậy, chúng ta phải liên kết làm sao bởi nguyện vọng của cử tri và một số đại biểu mong muốn với những bằng cấp của Việt Nam khi đi ra nước ngoài thì có được công nhận tương đương hay không bởi thực tế nhiều người băn khoăn việc học ở Việt Nam là trình độ đại học nhưng khi qua nước ngoài sẽ phải học lại, họ không công nhận bằng cấp, trình độ của mình”, ĐB Hạnh băn khoăn.
Theo quan điểm của ĐB Hạnh, giờ đây, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, sắp tới Việt Nam cần nghiên cứu nâng tầm chất lượng đào tạo, liên kết liên thông để được công nhận liên thông không chỉ đơn thuần dừng lại ở chứng chỉ trong nước nữa mà liên thông ở tầm quốc tế.
“Nhiều cử tri, nhiều người học đang mong đợi điều đó, nếu được như vậy sẽ có nhiều người học ở Việt Nam”, ĐB tỉnh Bình Phước nói.
Bà Hạnh cho biết, với bằng đào tạo liên thông, khi ra nước ngoài làm việc sẽ có giá trị tương đương hoặc được công nhận ở cấp độ nào đó sẽ là điều rất tốt. Tất nhiên, muốn được như vậy còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa, không đơn thuần như chúng ta mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?
16:08, 11/06/2018
Giáo dục Đại học tư thục theo mô hình doanh nghiệp
10:51, 06/11/2018
Tự chủ giáo dục là xu hướng quốc tế
09:16, 06/11/2018
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về triết lý giáo dục của Việt Nam
12:05, 01/11/2018
Tự chủ trong giáo dục còn nhiều bất cập
05:05, 06/11/2018
Trong điều kiện hội nhập quốc tế như vậy, theo bà Hạnh phương pháp học cũng yêu cầu phải đa dạng, không phải cứ lên trường, lớp để học là đạt yêu cầu, cũng không phải một hình thức đào tạo duy nhất như chúng ta vẫn từng học mà giờ có rất nhiều hình thức học khác. Chúng ta học trên mạng xã hội, yêu cầu tự học rất nhiều, vừa học vừa làm, học mọi lứa tuổi,…
“Với khung giáo dục quốc gia có quy định phổ cập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được quy định theo tuổi học, nhưng hết trình độ đó thì chúng ta có thể học ở cấp độ cao hơn, học ngoại ngữ, học các tín chỉ, học liên thông, học để nâng cao trình độ, kỹ năng,… để phục vụ cho công việc”, ĐB Hạnh nói.
Do đó, theo ĐB Hạnh, yêu cầu hình thức học phải được đa dạng hóa, học tại Việt Nam nhưng có kết nối với chương trình học từ các trường quốc tế, và điều quan trọng nhất là sau khi học xong những chứng chỉ, bằng cấp đó có giá trị như thế nào?
“Mong muốn của nhiều cử tri chính là những điều đó, mong muốn Luật Giáo dục sửa đổi lần này sẽ thể hiện những điểm đó, nhưng cũng cần được cụ thể hóa về những chính sách, quy định chi tiết sau luật bởi có những điều vượt quá tầm của chúng ta, không nằm trong Luật mà phụ thuộc vào sự đàm phán cụ thể”, ĐB Hạnh nói.
Do đó, theo quan điểm ĐB Hạnh, trong việc ký kết các hiệp định thương mại với các nước mà chúng ta ký kết, sẽ phải liên thông trong giáo dục ở cấp độ nghề và cấp độ cao hơn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong phiên làm việc buổi chiều của Quốc hội ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiến trúc. |