Dự thảo Luật Kiến trúc nặng về quản lý
Băn khoăn về những tồn tại về kiến trúc trong thời gian qua song nhiều ĐBQH nhìn nhận luật lại thiếu những quy định để khắc phục tình trạng này, nặng về quản lý.
Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Kiến trúc. ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng, vai trò vị trí của kiến trúc trong xã hội đã được khẳng định. Năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội kiến trúc Việt Nam trong đó xác định, vị trí vai trò của kiến trúc trong đời sống văn hóa xã hội như con người có cơm ăn và áo mặc.
Thiếu nét riêng và hồn đô thị
Thời gian qua các văn bản của Đảng như hội nghị trung ương 5 khóa VIII đã bàn đến vấn xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có vấn đề kiến trúc, hay văn kiện đại hội IX cũng xác định tăng cường quản lý về kiến trúc và xây dựng kiến trúc trong tình hình mới. Hội trung ương 9 khóa XI cũng xác định những nội dung lớn trong đó có phát triển kiến trúc Việt Nam gắn liền với văn hóa. Tuy nhiên thực tế vừa qua những bất cập trong quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kiến trúc ở đô thị và nông thôn còn thiếu bản sắc. Cho nên cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc.
Có thể bạn quan tâm
Băn khoăn về những quy định trong quản lý nhà nước về kiến trúc vốn là những yếu kém, nguyên nhân của những bất cập trong thời gian qua nhưng luật lại tập trung chủ yếu vào vấn đề mô hình hoạt động, bà Hoa đặt vấn đề: Chính quyền địa phương có công trình xây dựng mà kiến trúc không đúng luật vậy cơ quan nào sẽ xử lý? quy trình xử lý thế nào? nhất là những công trình văn hóa. Hiện nay cả nước có khoảng hàng chục nghìn công trình văn hóa có kiến trúc hơn 500 năm nhưng khi bảo tồn có tuân thủ những kiến trúc xưa hay không? có bảo tồn được những kiến trúc xưa hay không? và nếu vi phạm thì xử lý thế nào?. Từ đó bà Hoa đề nghị cần có quy định cụ thể để quản lý từ đô thị cho đến nông thôn. Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) cũng cho rằng, quan trọng nhất của quản lý kiến trúc là phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó mới là mục tiêu chứ không phải chỉ là vấn đề quản lý.
ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP HCM) băn khoăn, dự luật này phải làm sao không chồng chéo với Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng. Điều dự luật làm được phải là vừa bảo vệ được di sản kiến trúc, kể cả nhân tạo, tự nhiên, đồng thời phát huy được quyền tự do sáng tạo về mặt kiến trúc.
“Ví dụ như có những công trình, tòa nhà người này nói kiến trúc phản cảm, người khác lại thấy đẹp. Có nên khôi phục lại văn phòng kiến trúc sư trưởng? Bởi lẽ đây là nơi xác định hồn của đô thị, xác định vùng nào bảo tồn, vùng khác phát triển và điều này rất khác với sở quy hoạch hiện nay”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TPHCM nhìn nhận, dự luật không thể hiện được nét riêng, mang tính bản sắc, hồn đô thị của Việt Nam. Theo ông Tuấn, kiến trúc của Việt Nam vẫn dựa vào những công trình kiến trúc phương tây thể hiện rõ nhất ở Hà Nội, và TPHCM. “Nguyên nhân là do giá trị văn hóa của Việt Nam không được lồng trong ý tưởng kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị”-ông Tuấn nói, đồng thời cho rằng, luật cần phải thiết kế lại điều khoản theo cách tiếp cận vấn đề là khu vực nào cần gìn giữ trùng tu?, chỗ nào cần phát triển?.
“Nhà ống” đã nói lên tất cả về kiến trúc
ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, đây là lĩnh vực tạo nên bộ mặt đô thị, tuy nhiên trong thời gian dài qua, kiến trúc Việt Nam không được quản lý, điều chỉnh kịp thời nên đã phát sinh nhiều bất cập. Cứ nhìn vào nhà ống từ Nam chí Bắc, rồi môi trường cảnh quan tại các đô thị bị phá vỡ thì thấy đã tới lúc báo động về kiến trúc và cần một luật quy định, quản lý chung lĩnh vực này. Theo ông Lượng, dự luật đang nặng về hành chính khi đưa ra nhiều quy định thủ tục phiền hà và đề cập quá nhiều đến đạo đức nghề nghiệp. Đơn cử như quy định 3 năm hành nghề kiến trúc mới được cấp chứng chỉ là không khả thi, cứng nhắc. Ông nói: “Kiến trúc là sáng tạo không phải nhiều năm kinh nghiệm là làm đẹp được ngay, có những người vừa ra trường nhưng tính sáng tạo cao họ vẫn thiết kế ra các công trình đẹp. Nếu quy định cứng 3 năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ không phù hợp với đặc thù lĩnh vực này”.
Ở góc độ khác, ĐB Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) kiến nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa cấp chứng chỉ hành nghề cho các kiến trúc sư. Nhà nước không cần quản lý nên để các hội nghề nghiệp tự quản lý nhau. “Ví dụ, trong hành nghề kiến trúc, những người làm không tốt sẽ được các kiến trúc sư khác tự phân hạng, không nhất thiết cơ quan nhà nước phải tham gia. Trong một số tiêu chí, cần đẩy mạnh xã hội hóa, để các hội nghề nghiệp thực hiện, Nhà nước không cần quản lý”-ông Tịnh đưa ra phân tích.
Băn khoăn về quy định Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, thông thường trong luật chỉ quy định Bộ, và UBND tỉnh cấp. Thực tế hiện nay nhiều tỉnh, thành đang sáp nhập các sở với nhau, trong khi dự luật quy định cụ thể Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư thì có vướng không?. Do đó, luật nên quy định UBND cấp tỉnh giao chức năng cấp chứng chỉ cho cơ quan có thẩm quyền.