Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: "Vải thưa sẽ không thể che được mắt thánh"
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về vụ xét xử Phan Văn Vĩnh cùng đồng phạm, ĐBQH Vũ Trong Kim (Hải Dương), Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định, “vải thưa không che được mắt thánh”.
Sáng 12/11, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ án nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm trong vụ án về các tội danh “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông đánh giá như thế nào về việc nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm vừa được được đưa ra xét xử trong sáng nay?
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật trên cơ sở đòi hỏi của tình hình thực tế, đặc biệt yêu cầu về phòng chống tham nhũng đã kiên quyết, kịp thời đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, xã hội yêu cầu xét xử đúng người, đúng tội. Nếu giải quyết không đúng tội sẽ ảnh hưởng lòng tin người dân.
Do vậy, tôi mong rằng, việc xét xử này được thực hiện tốt sẽ động viên tinh thần của nhân dân, đồng bào trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm pháp luật. Nhưng nếu làm nửa vời, không tốt sẽ mất đi động lực và tinh thần đoàn kết đấu tranh chống tham nhũng. Từ vụ án này, những người có chức quyền phải biết sợ, sợ tham ô, tham nhũng, hối lộ. Họ phải biết rằng, lấy vải thưa không che được mắt thánh. Bản thân họ có nghiệp vụ, có công nghệ tưởng rằng có thể che dấu được hành vi phạm tội. Nhưng không việc gì có thể dấu được. Theo năm tháng sẽ bị phát hiện, có khi “chờ ông về hưu là biết có vi phạm hay không”.
Trước vụ án này, cũng có nhiều vụ án khác mà những người có chức, có quyền lợi dụng chức vụ quyền hạn, móc nối với doanh nghiệp để trục lợi. Làm thế nào để ngăn chặn tiền lệ xấu này, thưa ông?
Các vụ án như Vũ Nhôm, Út trọc… cũng là những người có chức vụ và các doanh nghiệp thường có mối quan hệ với nhau, dẫn tới móc ngoặc, sai phạm, làm mất mát tài sản của nhà nước. Vì thế, phải có cơ chế, quy định ràng buộc để cán bộ công chức không quá gần gũi với doanh nhân, doanh nghiệp. Bởi vì lợi dụng chính sách tức là tham ô cơ chế, chính sách. Đây là vấn đề tư bản lũng đoạn nhà nước.
Vì thế, người có chức, có quyền cũng phải cảnh giác, có những việc lợi cho cá nhân, doanh nghiệp nhưng có hại cho tập thể và quốc gia. Đồng thời, người có chức vụ, quyền hạn phải biết rằng, bất cứ nhiệm vụ, quyền hạn nào đều bị giám sát bởi các cơ quan bảo vệ pháp luật, cấp trên và sự giám sát của nhân dân. Dù người đó có công nghệ cao hay bất cứ hình thức công nghệ nào, không trước thì sau sẽ bị phát hiện nếu vi phạm pháp luật. Do vậy, đã là người đảm nhiệm công vụ, có chức quyền thì phải chú ý tới những hành vi của mình.
Hành vi nhỏ nhưng tác hại lớn. Việc chống tham nhũng, quan trọng ở mỗi cá nhân có chức quyền phải chống ngay trong bản thân mình, thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức, liên tục không lơi lỏng. Trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm yêu cầu lãnh đạo. Đã là lãnh đạo thì phải hiểu biết, giải quyết công việc đúng quyền hạn của mình và không ảnh hưởng tới quyền lợi quốc gia, dân tộc.
Xin cảm ơn ông!