Làm gì để tránh "xung đột" từ Luật Kiến trúc?
Trong phiên làm việc chiều nay (14/11), sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Kiến trúc.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Kiến trúc chưa được chuẩn bị chu đáo; nội dung đề cập còn sơ sài, chưa phản ánh được những vấn đề cơ bản và vướng mắc lớn của ngành.
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng Luật Kiến trúc liên quan đến rất nhiều các luật khác như Luật xây dựng, nên cần đảm bảo tính đồng bộ giữa luật này với các luật khác.
“Về cơ bản, tôi rất đồng tình với cơ quan soạn thảo là vào thời điểm này rất cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc nhằm quản lý các hoạt động xây dựng, kiến trúc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vai trò của các kiến trúc sư trong nước và nước ngoài là rất lớn khi Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế”, ĐB nói.
Theo ĐB Chiến, thực tế không chỉ có các kiến trúc sư trong nước, ngay cả đội ngũ kiến trúc sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam cũng rất đông đảo. Trong khi đó, chúng ta chưa có 1 văn bản pháp luật quy chuẩn nào để quản lý lĩnh vực này. Kiến trúc sư là 1 nghề tự do, hoạt động độc lập nên cần có luật để quản lý Nhà nước. Đây cũng là hoạt động mang tính có thu nên cần thiết phải có luật để đồng bộ với các luật khác và Nhà nước cũng phải có nguồn thu thuế từ hoạt động này.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang chú trọng tới việc làm sao thiết kế 1 dự án để khi đưa ra đấu thầu sẽ trúng thầu.
Theo ĐB Chiến mỗi đồ án kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật, kinh tế, có tính ứng dụng cao là rất quan trọng và cần phải có luật, hành lang pháp lý để hoạt động kiến trúc được triển khai dễ dàng, thuận lợi, tránh tình trạng bị hạn chế bởi các luật khác như Luật Đấu thầu.
“Vì lẽ ấy, khi xây dựng Luật Kiến trúc, các đơn vị soạn thảo cần tính toán làm sao để Luật Kiến trúc đảm bảo được tính đồng bộ với các luật khác; khắc phục những xung đột, hạn chế của luật khác liên quan tới hoạt động kiến trúc”, ĐB Chiến nói.
Đồng quan điểm, ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) cũng cho rằng do Luật Kiến trúc liên quan đến rất nhiều các luật khác, nên một số điều khoản nếu trong phạm vi điều chỉnh của Luật xây dựng có quy định rồi thì Luật Kiến trúc chỉ thực hiện trong phạm vi điều chỉnh đó.
Điển hình như việc hành nghề của các kiến trúc sư và quản lý nhà nước cũng cần phải đi sâu vào để làm thế nào Luật Kiến trúc thực chất đi vào hoạt động có hiệu quả.
“Hiện nay trong quá trình xây dựng, trong quá trình quy hoạch đô thi cần phải có bộ máy tổ chức của Hội kiên trúc sư để thực hiện việc thiết kế, mô phỏng để có thể tuyển chọn các kiến trúc sư giỏi, các tổ kiến trúc sư để đưa vào hoạt động một cách bài bản”, ĐB đoàn Đắk Lắk nói.
Góp ý về dự thảo của Luật, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu quan điểm: Thực tế hiện nay cho thấy kiến trúc đô thị, kiến trúc thị trấn, thị tứ, kiến trúc di sản để lại cùng với quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển dân cư thì một bức tranh tổng thể kiến trúc là không đáp ứng được yêu cầu.
“Đây là tính cấp thiết cần phải xây dựng ban hành trong Dự án Luật Kiến trúc này nhằm thỏa mãn được yêu cầu về hoạt động kiến trúc, quản lý kiến trúc”, ĐB Hoàng nói.
Có thể bạn quan tâm