Kiểm soát chuyển giá và kinh nghiệm thế giới

H.Minh 17/11/2018 08:30

"Chuyển giá là chuyện bình thường", vấn đề ở chỗ mỗi quốc gia cần xác định rõ ranh giới của chuyển giá đúng luật, chuyển giá để né thuế, để trốn thuế.

Đây là vấn đề được các chuyên gia cả trong và ngoài nước đặt ra tại thời điểm mà Quốc hội đang thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

p/Big C Việt Nam - một trong các doanh nghiệp bị thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế.

Big C Việt Nam - một trong các doanh nghiệp bị thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế.

Sửa luật để kiểm soát

Thay vì cách nhìn nhận khá phổ biến hiện nay, coi chuyển giá như một công cụ để trốn thuế và một hành vi vi phạm pháp luật, sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề. Bởi vì, các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh. Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể được hưởng mức thuế thấp nhất hoặc cao hơn nữa là che mắt các cơ quan quản lý, cơ quan thuế địa phương để né thuế.

Theo báo cáo mới đây của VCCI, mỗi năm có khoảng từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh. Có những thời điểm, tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương..., tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, trong nhiều năm.

 Thay vì cách nhìn nhận khá phổ biến hiện nay, coi chuyển giá như một công cụ để trốn thuế, sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề.

Vậy trong số các doanh nghiệp trên có bao nhiêu doanh nghiệp né thuế đúng luật và pháp luật Việt Nam cần làm gì để giảm tình trạng này? Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) nhận xét, dự Luật đã quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, đồng thời, bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, quy định như dự thảo luật vẫn chưa ngăn nổi việc chuyển giá, trốn thuế, nhất là đối với các giao dịch liên kết. Do vậy, ĐB đề nghị cần phải đưa vào dự thảo luật quy định mạnh mẽ hơn nữa về chống chuyển lợi nhuận, chống xói mòn nguồn thu mà quốc tế đang áp dụng để đưa vào phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế

Theo TS Hà Thị Mỹ Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Kiểm toán Nhà nước, các quốc gia đều đưa ra những biện pháp để kiểm soát vấn đề chuyển giá. Việt Nam có thể tham khảo chính sách của một số quốc gia. Ấn Độ gần đây đã sửa đổi quy định về các biện pháp chống chuyển giá gồm: Thực hiện cơ chế giá thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế; Quy định mức giá/lợi nhuận để xác định giá thị trường của sản phẩm; Đưa ra những cách thức nhằm hình thành hệ thống số liệu theo chuỗi các năm để so sánh, đối chiếu. Cùng với đó, quốc gia này cũng áp dụng chế tài xử phạt nặng đối với những doanh nghiệp không cung cấp các thông tin hay tài liệu về các giao dịch kinh tế khi cơ quan thuế yêu cầu; Đối với các khoản phát hiện, mức phạt khoảng 2% tính trên giá trị hợp đồng đối với một số sai sót cụ thể như không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, lập hồ sơ không chính xác…

Trong khi đó tại Indonesia, áp dụng biện pháp ngăn chặn hoạt động chuyển giá căn bản nhất tại quốc gia thực hiện theo hướng dẫn của OECD như so sánh giá thị trường tự do, phương pháp dựa vào giá bán ra, phương pháp cộng chi phí vào giá vốn.

Mặt khác, Indonesia áp dụng mức phạt 2%/tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá, mức này sẽ tăng thêm 50% nếu các kiến nghị phản đối bị xác định là sai, và tăng thêm 100% nếu kết quả kháng cáo vẫn được xác định là sai. Thu hẹp các ưu đãi về thuế, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp nộp thuế để từ đó theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.

H.Minh