Doanh nghiệp điêu đứng vì án oan

Trương Khắc Trà 17/11/2018 11:30

Mới đây tại Quảng Trị, một vụ án oan có nguồn gốc từ 10 năm trước được lật lại.

Nạn nhân không phải là một cá nhân như thường thấy, mà đó là một doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương. Nhiều năm trước công ty ông Dương Văn Hòa trúng gói thầu cung cấp hàng trăm con bò giống cho hộ gia đình chính sách những huyện nghèo. Bò giống đã được kiểm định bởi cơ quan chuyên môn, kết luận không mang mầm bệnh trước khi bàn giao.

bên trại nuôi, nhốt bò bỏ hoang từ năm 2007

Ông Dương Văn Hòa bên trại nuôi, nhốt bò bỏ hoang từ năm 2007

Nhưng rất không may, đợt dịch lở mồm long móng xảy ra sau đó ít lâu, cá nhân ông Hòa bị khởi tố, kết bản án 18 tháng tù. Nhiều lần kháng án từ địa phương đến Trung ương cuối cùng nạn nhân được minh oan bằng một quyết định đình chỉ vụ án từ VKSND tỉnh Quảng Trị vì “xét thấy hành vi của ông Hòa không cấu thành tội lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”.

Ông Hòa làm đơn yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị xin lỗi và bồi thường 18 tỷ đồng thiệt hại vật chất lẫn tinh thần trong 10 năm theo án. Lời xin lỗi với doanh nghiệp không biết có được bật ra hay không nhưng những gì nhận được là số tiền 249,5 triệu đồng, không thấm vào đâu so với nguyện vọng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bị oan là chuyện không mới, nhưng chẳng bao giờ hết tính thời sự, vì những thắc mắc. Cớ sao đã có kết luận bò giống của công ty ông Hòa an toàn mà cơ quan điều tra nhanh chóng khép tội để doanh nghiệp mất 10 năm tổn thất? Có phải những bằng chứng xác đáng nhất không được nhắc đến mà người ta chỉ cần nhìn hiện tượng đoán bản chất?

Chưa đầy 300 triệu đồng có thể bù đắp cho 10 năm doanh nghiệp rơi vào khốn đốn, mất cơ hội kinh doanh, mất hình ảnh thương hiệu, cá nhân ông Hòa bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, chưa kể những tổn thất khác. Hàng trăm lao động bỏ đi, không ai muốn làm ăn với một đương sự đang bị khởi tố.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang): “Phấn khởi” khi Chánh án cho biết oan sai đã giảm

    ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang): “Phấn khởi” khi Chánh án cho biết oan sai đã giảm

    13:06, 18/11/2017

  • Gây oan sai phải chủ động xin lỗi

    Gây oan sai phải chủ động xin lỗi

    07:55, 01/06/2017

  • Bồi thường án oan sai: “Con dại, cái mang”

    Bồi thường án oan sai: “Con dại, cái mang”

    16:10, 09/01/2017

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh được “kiến tạo” tối đa như tôn chỉ của Chính phủ, ở đâu đó chính quyền địa phương vẫn có thái độ thiếu thiện cảm, sẵn sàng khép tội mà bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội. Phải chăng, để đảm bảo cho luật pháp được thi hành chỉ cần tìm ra “hung thủ” rồi khép vào một tội danh nào đó là xong.

Những doanh nghiệp như ông Hòa còn có tinh thần thượng tôn luật pháp, đóng góp cho hội nữa hay không khi bản thân ông chính là nạn nhân của sự mù mờ luật pháp?

Một bản án có quá nhiều sự tắc trách, vô cảm đẩy doanh nghiệp vào chân tường. Vài trăm triệu đồng bồi thường chẳng khác nào ném một thông điệp vào doanh nghiệp, rằng “sống chết mặc bay”.

Và rồi ở những hội nghị, hội thảo lớn nhỏ, những người có chức trách lại buông ra câu cửa miệng “địa phương khó khăn vì doanh nghiệp ở đây đa số vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ”. Vì sao doanh nghiệp không muốn lớn, hoặc không thể lớn như một số báo cáo công bố, một phần do nhùng nhằng hành chính, và đương nhiên có phần không nhỏ như kiểu bản án này. Từ một điển hình làm kinh tế giỏi, ông Hòa bỗng dưng trở thành tội đồ với quê hương. Mười năm, khoảng thời gian đủ dài để một doanh nghiệp đi lên từ con số không, nhưng chỉ cần một mệnh lệnh hành chính sai lầm doanh nghiệp lại trở về với số không tròn trĩnh.

Ông Hòa và doanh nghiệp của mình đã được minh oan, đó cũng là sự thật cần có, tuy nhiên không ai biết chắc rồi đây địa phương còn có một doanh nghiệp uy tín như trước khi nó bị phá tan tành. Công lý trả lại về đúng chỗ, nhưng không thể cứ mãi “rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Án lớn, án nhỏ tù oan vài chục năm cho đến phạt nhầm vài trăm nghìn… tất cả có chung một “con đường” như nhau là sự tắc trách, vô cảm, yếu kém trình độ của những con người được nhân dân giao trọng trách “cầm cân nảy mực”.

Trương Khắc Trà