Chính phủ quyết tâm cải cách mạnh mẽ

LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) 22/11/2018 14:10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nội dung chính của Nghị quyết là Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

p/Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp. Nguồn VCCI.

Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp. Nguồn VCCI.

Hai mừng...

Mừng đầu tiên được thể hiện trên ba khía cạnh.

Một là, tiếp theo các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và các nghị quyết, quyết định, chỉ thị khác gần đây, cho thấy tính kiên quyết, nhất quán và đồng bộ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo điều kiện để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hai là, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được Chính phủ nhận diện, gọi tên, mỗi năm nhấn mạnh một việc trọng tâm cần làm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, hiệp hội thực hiện. Ví dụ hai năm qua, Chính phủ yêu cầu chỉ được thanh kiểm tra doanh nghiệp một năm một lần, phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và năm nay là giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ba là, Nghị quyết này cho thấy quyết tâm rất cao thể hiện ở việc thực hiện cam kết với các mục tiêu cụ thể, ví dụ đến năm 2020 phải cắt giảm quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế và bảo hiểm xã hội ngang với ASEAN-4; phải công khai 100% kết quả thanh kiểm tra trên mạng và chi phí thuế và BHXH tại doanh nghiệp giảm xuống mức trung bình ASEAN.

  Nghị quyết quy định cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu không chỉ trong thời kỳ xảy ra vụ việc mà còn thêm cả hai năm sau đó để ngăn ngừa hành vi trù dập doanh nghiệp (nếu có)...

Có hai nhóm chi phí đè nặng lên doanh nghiệp trong thời gian qua làm doanh nghiệp rất khó lớn được. Đó là chi phí tuân thủ pháp luật – loại chi phí hợp pháp nhưng một số trong đó là không hợp lý và chi phí “bôi trơn” là loại chi phí mà doanh nghiệp cho là “hợp lý” nếu muốn “tồn tại” nhưng không hợp pháp. Ngoài hai loại này, Nghị quyết 139 đã gọi thêm tên hai loại chi phí khác buộc phải cắt giảm, đó là chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh (bao gồm chi phí tín dụng và dịch vụ ngân hàng, lao động, khoa học và công nghệ, logistics và thương mại qua biên giới) và các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên. Điểm mới đáng ghi nhận là với mỗi loại phí này, Chính phủ quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành, chính quyền địa phương nói chung, một số bộ ngành cụ thể, có trách nhiệm trực tiếp, VCCI và các hiệp hội phải làm gì cả trên phương diện xây dựng thể chế lẫn trong biện pháp hành động.

Mừng thứ hai từ Nghị quyết là qua cách thức để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ đã lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp, ví dụ Chính phủ yêu cầu triển khai việc khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức phải xuống đến tận cấp sở, ngành, huyện, công khai kết quả, yêu cầu giải trình và biện pháp cải thiện, hoặc Chính phủ quy định “trong trường hợp pháp luật không rõ thì không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp”.

Nghị quyết cũng đã quy định cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu không chỉ trong thời kỳ xảy ra vụ việc mà còn thêm cả hai năm sau đó để ngăn ngừa hành vi trù dập doanh nghiệp (nếu có)... Đi xa hơn Chính phủ lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp để yêu cầu các bộ ngành không được “ẩn” các điều kiện kinh doanh dưới vỏ bọc tiêu chuẩn , quy chuẩn kỹ thuật. Nhiều ví dụ khác trong Nghị quyết này cho thấy một khi biết lắng nghe doanh nghiệp, Chính phủ sẽ nhận diện được các vướng mắc rất cụ thể , đầy đủ để tìm biện pháp khắc phục hợp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Tài chính tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính

    Bộ Tài chính tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính

    05:45, 21/11/2018

  • Không đồng đều về tiêu chí cắt giảm trong cùng một Nghị định

    Không đồng đều về tiêu chí cắt giảm trong cùng một Nghị định

    11:35, 20/11/2018

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Cắt giảm các điều kiện kinh doanh cần phải thực chất cho doanh nghiệp"

    18:12, 17/11/2018

  • Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Lấn cấn tận phút cuối

    Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Lấn cấn tận phút cuối

    16:15, 15/11/2018

Và... một lo

Một lo, đó là tính khả thi của Nghị quyết. Nhìn lại thời gian qua, trên phương diện “kiến tạo”, Chính phủ đã có nhiều cố gắng nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với nguyện vọng của doanh nghiệp. Hàng năm, các “lô cốt” cản trở sự phát triển đã được nhận diện với quyết tâm “công phá” bằng Nghị quyết nhưng thực tiễn thi hành thì còn quá nhiều vấn đề. Ví dụ nạn thanh kiểm tra tràn lan vẫn chưa giảm được bao nhiêu, giảm điều kiện kinh doanh có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đã định . Nhiều doanh nghiệp cho rằng mấy năm qua tình trạng “ trên nóng, giữa lạnh, dưới rất lạnh” đang là khá phổ biến. Doanh nghiệp ghi nhận sự quyết liệt của Chính phủ, mặt khác doanh nghiệp vẫn đang rất băn khoăn về hiệu quả thi hành các Nghị quyết này và càng sốt ruột hơn khi thế giới đang thay đổi rất nhanh, cạnh tranh không chỉ là ở từng sản phẩm, từng doanh nghiệp mà là giữa các quốc gia đang hồi quyết liệt. Cái lo lớn nhất vẫn là : nhận diện các vướng mắc để kiến tạo phát triển không khó, phá tan được các “lô cốt” này là khó hơn rất nhiều.

Hy vọng năm tới Chính phủ sẽ hành động có hiệu quả hơn để nỗi lo sẽ được vợi bớt phần lớn và niềm vui sẽ thành hiện thực phần nhiều.

LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)