Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật về PPP): “Cú hích” cho cơ sở hạ tầng
Tổng đầu tư hạ tầng của Việt Nam đến nay đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn thấp so với kỳ vọng và vẫn còn tồn tại nhiều bất cập gây cản trở tăng trưởng kinh tế nước ta.
Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý về PPP được kỳ vọng sẽ khơi thông vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cởi trói cho doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nhu cầu vốn vào cơ sở hạ tầng rất lớn
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018, cơ sở hạ tầng (CSHT) của Việt Nam vẫn ở vị trí rất thấp, xếp hạng 79 trên thế giới (3,9 điểm), chỉ tăng 2 bậc so với năm 2014. Xét trong khối ASEAN, thứ hạng về chỉ số CSHT của Việt Nam khá khiêm tốn, cách khá xa so với Malaysia (hạng 22), Thái Lan (hạng 43), Indonesia (hạng 52) và chỉ hơn Philippines (hạng 97), Lào (102) và Campuchia (106).
Đến nay, Việt Nam đã đi qua hơn 2/3 quãng đường của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Tổng mức đầu tư phát triển xã hội giai đoạn 2011-2020 chiếm khoảng 33,5 - 35% GDP, tương đương 17.500 - 17.950 nghìn tỷ đồng (khoảng 710 - 720 tỷ USD). Nếu giữ tỷ lệ đầu tư vào phát triển hạ tầng khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội như hiện nay, thì mức huy động (5.300 - 5.350 nghìn tỷ đồng, (tương đương khoảng 210 - 215 tỷ USD), mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch, thiếu khoảng 200 tỷ USD.
Chỉ riêng trong ngành giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng CSHT do Bộ GTVT trực tiếp quản lý giai đoạn 2016-2020 khoảng 1.015 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và có nguồn gốc ngân sách (vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA) theo dự kiến là khoảng 248 nghìn tỷ đồng, tương đương 28% nhu cầu, thiếu hụt 731 nghìn tỷ đồng.
Nhu cầu lớn là vậy, nhưng hiện nay việc thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Có thể bạn quan tâm
“Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ Việt Nam chia sẻ rủi ro trong PPP”
13:30, 04/12/2018
Vướng đầu tư PPP trong nông nghiệp
08:00, 17/11/2018
Bỏ quy định khống chế lãi suất tại các dự án PPP
04:45, 01/11/2018
Nhà đầu tư chờ chính sách
Thực ra, công bằng mà nói, không chỉ riêng ở Việt Nam mà hoạt động đầu tư liên quan đến PPP đều rất phức tạp. Nói như ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư. Hiện nay, các quy định nghiêm ngặt đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư.
“Trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về PPP cũng có những khía cạnh tích cực như tinh giản các thủ tục hành chính cho các dự án PPP. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là “sự đảm bảo của chính phủ” đối với việc chia sẻ rủi ro giữa chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi”, ông Ryu Hang Ha nói.
Như đã nói, dù dư địa đầu tư trong lĩnh vực PPP ở Việt Nam còn rất lớn, nhưng quá trình đầu tư của doanh nghiệp theo hình thức PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, Trưởng nhóm công tác cơ sở hạ tầng cho biết, Nghị định 63 không quy định việc nhà đầu tư phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi nhà đầu tư được lựa chọn và phê duyệt, nhà đầu tư của dự án có thể thành lập doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án.
Nhưng nếu không có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư và các doanh nghiệp dự án có thể gặp khó khăn trong việc xin các giấy phép quan trọng khác cho dự án và trong các hoạt động hằng ngày của dự án. Các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp và Luật Đất đai, có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định 63, quy định các nhà đầu tư nước ngoài phải nộp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.