Vụ việc VIPICO – Đà Nẵng: Phép thử đối với hiệu lực của Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành
Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ có quy định, “Trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự...”.
Đây là một quy định rất tiến bộ, nhân văn, thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh; thể hiện tinh thần cải cách hành chính của một Chính phủ liêm chính và kiến tạo.
Trong vụ việc Vipico – Đà Nẵng, dư luận đang trông chờ minh chứng hiệu lực của Nghị quyết số 139/NQ-NP đối với trường hợp cụ thể này.
Cụ thể, ngày 16/11/2018 UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5443/QĐ-UBND hủy Quyết định số 4105/QĐ-UBND ngày 28/07/2017 của chính UBND TP Đà Nẵng đã ban hành hơn 01 năm trước về việc công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với Khu đất A20 mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng (dù doanh nghiệp đã nộp đủ vào ngân sách thành phố gần 700 tỷ đồng gần 01 năm qua, kể cả tiền nộp chậm phạt).
Quyết định số 5443/QĐ-UBND nêu trên đang gặp phải phản ứng rất mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các Luật sư và chuyên gia pháp lý hàng đầu của Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội được hỏi về vấn đề này cũng cho rằng, Quyết định số 5443/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng đang đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ vừa mới được ban hành, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng phá sản, hàng trăm người lao động có nguy cơ bị thất nghiệp.
Vụ việc này khiến cho nhà đầu tư hiện nay cảm nhận rất rõ về môi trường đầu tư, kinh doanh với nhiều rủi ro “không thể hiểu được”. Trong đó rủi ro lớn nhất chính là quyết định của các chính quyền địa phương như TP Đà Nẵng đã ban hành đối với trường hợp cụ thể của Công ty Vipico liên quan đến hủy kết quả bán đầu giá nhưng lại hiểu quy định pháp luật một cách “không giống ai”.
Quyết định số 5443/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng căn cứ chính vào Kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo số 425/KTNN-TH và Thông báo số 426/TB-KTNN ngày 4/9/2018 về việc thông báo kết quả kiểm toán Đoàn kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý và Luật sư đều cho rằng, Báo cáo kiểm toán Nhà nước không phải là căn cứ pháp lý để UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định hành chính nêu trên.
Hơn nữa, trong báo cáo Kiểm toán lại căn cứ vào Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 15/01/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng. Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm toán và ban hành Báo cáo kiểm toán thì Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND đã hết hiệu lực thi hành kể từ 01/07/2017 bởi văn bản tuyên bố hết hiệu lực của chính UBND TP Đà Nẵng.
Đáng lưu ý hơn nữa là ngày 27/11/2018, chính Kiểm toán Nhà nước đã gửi Công văn trả lời Vipico và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp về việc giải thích nội dung Báo cáo Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 của TP Đà Nẵng, trong đó nêu rõ: “Do đó KTNN chỉ kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng: “xem xét giải quyết theo quy định của Pháp luật đối với trường hợp Công ty TNHH MTV Vipico trúng đấu giá nhưng không nộp tiền đúng hạn theo thông báo của Cơ quan Thuế, báo cáo kết quả thực hiện về KTNN”. Việc đánh giá và kiến nghị của KTNN dựa trên quy định của pháp luật và bằng chứng kiểm toán. Vì vậy, đề nghị Công ty TNHH MTV Vipico liên hệ với UBND thành phố Đà Nẵng để được xem xét, giải quyết theo quy định hiện hành.”
Quy định hiện hành hiện nay là căn cứ vào các Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền sử dụng đất; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước) thì Công ty Vipico thuộc trường hợp chậm nộp tiền theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhưng UBND TP Đà Nẵng vẫn “phớt lờ” ý kiến của các bộ, ngành và gần đây nhất là văn bản trả lời của Kiểm toán Nhà nước. Phải chăng Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đang bị vô hiệu hóa và phản ánh đúng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Hơn nữa, Nghị quyết số 139/NQ-CP gần đây nhất được Chính phủ ban hành trong tháng 11/2018 đang là “phép thử rõ nhất” đối với vụ việc “lùm xùm” của Vipico và Đà Nẵng trong thời gian qua đã được công luận, báo chí phản ánh rất nhiều nhưng chưa được quan tâm giải quyết triệt để gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ đã quy định rõ trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử. Trường hợp Công ty Vipico, UBND TP Đà Nẵng với Quyết định số 5443/QĐ-UBND đã gây bất lợi hoàn toàn cho doanh nghiệp, UBND TP. Đà Nẵng giải thích pháp luật theo hướng bỏ qua cả ý kiến hướng dẫn thực hiện pháp luật bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và cả các cơ quan tham mưu của Đà Nẵng đối với trường hợp Vipico.
Vậy chắc chắn Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành với chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng trong trường hợp minh chứng cụ thể của vụ việc Vipico – Đà Nẵng liệu chính quyền địa phương có bất chấp hiệu lực Nghị quyết của Chính phủ để bảo lưu quan điểm của mình hay “chủ động đối thoại với doanh nghiệp” để tìm ra phương án tối ưu nhất nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp sớm triển khai Dự án tại TP Đà Nẵng và “cứu doanh nghiệp” thoát khỏi tình trạng phá sản./.
Có thể bạn quan tâm