Tiên Lãng – Hải Phòng: Xé lẻ hồ tự nhiên cho thuê

Lan Hương 19/12/2018 06:50

Hơn 10 năm qua, 7ha đất hồ tự nhiên của làng Mỹ Lộc, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị xé lẻ cho thuê trái luật dựa trên “Nghị quyết thôn”. Để bây giờ chính quyền xã loay hoay trong việc xử lý, thu hồi.

Năm 2004, 7ha đất hồ tự nhiên của làng Mỹ Lộc, được Ban vận động xây dựng làng chia nhỏ cho 23 hộ dân thuê để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Tiên Lãng mới đây, người dân kiến nghị thu hồi lại diện tích đất trên để trả lại hồ tự nhiên cho dân. Vì tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình nuôi thủy sản. Nước thải từ việc nuôi cá, thả vịt, nuôi lợn, gà của các hộ dân thuê đầm đều đổ ra mương làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

7ha đất hồ tự nhiên của làng Mỹ Lộc, được Ban vận động xây dựng làng chia nhỏ cho 23 hộ dân thuê để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản

7ha đất hồ tự nhiên của làng Mỹ Lộc, được Ban vận động xây dựng làng chia nhỏ cho 23 hộ dân thuê để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản

Tuy nhiên, việc thu hồi diện tích đầm ao trên vấp phải sự phản đối quyết liệt từ 23 hộ dân được cho thuê. Thậm chí, 19/23 hộ dân được cho thuê còn liên tiếp có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.

Trong đơn phản ánh của 19 hộ dân cho biết, khi ký hợp đồng, các hộ nhận thầu khoán phải thanh toán một số tiền gọi là phí hợp đồng cho thôn, tùy theo diện tích với mức từ 2 - 3 triệu đồng, thôn sẽ quyết toán số tiền đó vào cuối kỳ. Đến thời điểm này, nhiều hộ đã đóng thuế, phí vài chục triệu đồng. Tổng 19 hộ dân đã đóng góp số tiền 538 triệu đồng cho thôn Mỹ Lộc từ việc thuê thầu.

Trao đổi với PV Báo DĐDN, ông Phạm Văn Gót - Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng thừa nhận, năm 2004 thôn Mỹ Lộc đã đứng ra ký hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản với 23 hộ dân. Hợp đồng được thôn ký làm 2 lần, lần đầu năm 2004 và lần 2 là năm 2014. Số tiền thu được từ các hợp đồng cho thuê, thôn tự thu chi chứ xã không nắm được. Hiện tại UBND xã nhiều lần giải thích cho các hộ dân về lý do thanh lý hợp đồng thầu khoán nhưng họ không nghe và tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện.

Được biết, trước năm 2004, toàn bộ 7ha nói trên là một dải đầm tự nhiên nối liền với làng Mỹ Lộc bằng một con mương. Đầm nước này phục vụ cuộc sống, sinh hoạt cho hơn 4.000 dân, nên được gọi là hồ điều hòa.

Theo kế hoạch sử dụng đất, được thông qua trong Nghị Quyết của HĐND xã Tiến Thắng thì toàn bộ diện tích 7ha đầm ở Mỹ Lộc sẽ được cải tạo, trả lại thành đầm nước tự nhiên. Phần mương cấp 1 nối với đầm nuôi thủy sản của các hộ dân sẽ được bơm cát bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng

    Hải Phòng "mời gọi" Mitsubishi đầu tư vào lĩnh vực ô tô

    12:00, 18/12/2018

  • Dự án cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh – Hải Phòng: Sau 4 năm thực hiện vẫn dang dở

    Dự án cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh – Hải Phòng: Sau 4 năm thực hiện vẫn dang dở

    06:06, 18/12/2018

  • Lần đầu tiên xuất khẩu Hải Phòng đạt trên 10 tỷ USD

    Lần đầu tiên xuất khẩu Hải Phòng đạt trên 10 tỷ USD

    06:00, 17/12/2018

Ông Phạm Xuân Bật - đại diện các hộ dân có đầm cho biết, chúng tôi được làng cho thuê diện tích đầm trên để chăn nuôi thủy sản ổn định hơn chục năm nay. Chúng tôi đã phải trả tiền đắp bờ, nậm cho làng, phải trả phí nuôi trồng, phương tiện đánh bắt hàng năm lên tới vài chục triệu đồng. Nhiều gia đình trông chờ vào mùa thu hoạch thủy sản để nuôi con cái ăn học. Nay làng thanh lý hợp đồng lấy lại diện tích trên không có lý do rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn.

Mong muốn lớn nhất của 19 hộ dân hiện nay là được chính quyền địa phương có phương án tiếp tục cho thuê thầu phần diện tích ao đầm đúng pháp luật. Bởi các hộ dân đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của xuống ao hồ - ông Bật nêu nguyện vọng.

Ông Cao Văn Dự - Trưởng làng (người đại diện ký hợp đồng với 23 hộ dân) cho biết, trong hợp đồng cho thuê có thể hiện rõ, khi nhà nước, địa phương có nhu cầu thu hồi diện tích đất trên thì người thuê có trách nhiệm bàn giao mặt bằng cho tập thể. Chủ động thu hoạch cá, tháo dỡ các công trình phụ trợ… và cả 2 bên đều đồng ý. Nhưng khi địa phương có kế hoạch sử dụng, thu hồi thì người dân lại đòi hỏi, thậm chí có đơn kiến nghị. Như thế là vô lý!

Rõ ràng việc ký hợp đồng thuê khoán trái quy định, kéo dài của Ban vận động xây dựng làng Mỹ Lộc là nguồn cơn của toàn bộ diễn biến tiếp theo: người dân kiến nghị về quyền sử dụng, khó thu hồi…

Nếu hết hạn hợp đồng (1/1/2019), 23 hộ dân cố tình không bàn giao diện tích thuê khoán lại cho chính quyền thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý như thế nào. Còn việc thu chi trong 14 năm cho thuê khoán diện tích 7ha hồ tự nhiên, đơn vị nào quản lý, được chi tiêu ra sao?

Báo DĐDN sẽ tiếp tục thông tin

Lan Hương