Phòng ngừa rủi ro đầu tư ra nước ngoài

Cẩm Anh - Huyền Trang 12/01/2019 06:28

Cơ hội hấp dẫn với những ưu đãi đầu tư lớn của các thị trường tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á, Châu Phi… đang khiến nhiều nhà đầu tư Việt mong muốn… “đem chuông đi đánh xứ người”.

Tuy nhiên, nếu “đầu tư đổ xô” mà không nắm được luật lệ bản địa và những rủi ro có thể xảy ra, rất có thể, các doanh nghiệp sẽ “ngã ngựa”… Đó là những chia sẻ… “rất thật” – như lời của ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI tại Hội thảo “đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật”.

p/Đầu tư Việt Nam ra nước ngoài theo theo quốc gia (Đvt: Triệu USD)

Đầu tư Việt Nam ra nước ngoài theo theo quốc gia (Đvt: Triệu USD)

Năng lực còn nhiều

Theo Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 81,5 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư.

Campuchia là thị trường xếp thứ 4 sau Australia, Hoa Kỳ. Theo nhiều dự báo, xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ, và gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Không những vậy, hoạt động đầu tư nước ngoài còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư. Đơn cử như Vinamilk đã xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Mỹ, Úc... Đầu năm 2018, Tập đoàn TH khánh thành trang trại bò sữa đầu tiên tại Nga, đánh dấu bước đi đáng kể trong việc thâm nhập thị trường Đông Âu với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD... Và đặc biệt, dấu ấn lớn nhất của người Việt trên sân chơi thế giới có lẽ là Tập đoàn Viettel.

Định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của tập đoàn này khi 80% các khoản đầu tư đã bắt đầu có lãi.

Tuy nhiên, có người cho rằng, những con số này chưa phản ánh đúng năng lực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi nhiều khoản đầu tư qua hình thức mua bán, sáp nhập chưa được cập nhật do những vướng mắc, rào cản pháp lý. Không chỉ vậy, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của một số nước đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, chưa thống nhất, khó tiếp cận.

Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Dak Lak cho rằng, điều doanh nghiệp khó khăn nhất khi không hiểu hết được những quy định pháp lý của nước sở tại và những quy định theo công ước quốc tế. Đồng thời, việc chưa đánh giá hết được những rủi ro liên quan đến văn hóa, tập tục của người bản địa cũng là một rào cản lớn.

3 rủi ro hiện hữu

Đồng tình, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp Việt khi đầu tư ra nước ngoài đều cho rằng, khi các Chính phủ kí các cam kết quốc tế sẽ được tự động nội luật hóa trong luật pháp của quốc gia sở tại. Thậm chí, một số doanh nghiệp không nắm được thông tin các Chính phủ đã cam kết những điều gì và những điều đó có ảnh hưởng thế nào đến khoản đầu tư của họ”. Theo bà Phượng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp pháp lý đang gặp phải hiện nay.

Không chỉ liên quan đến các vấn đề pháp lý, Global Witness, một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường cho rằng Chính phủ Việt Nam nên đẩy mạnh hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam về cách quản trị rủi ro môi trường và xã hội khi làm ăn ở nước ngoài. Bộ hướng dẫn về cách quản trị rủi ro môi trường và xã hội càng trở nên bức thiết, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Đặc biệt, theo ông Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam Việt Nam, các doanh nghiệp phải chú trọng 4 vấn đề:

Thứ nhất, doanh nghiệp phải hiểu rõ luật pháp của nước sở tại về bảo vệ môi trường và xã hội.

Thứ hai, phải tôn trọng di sản văn hóa của địa phương và tham khảo ý kiến những người có thể bị ảnh hưởng bởi dự án.

Thứ ba, doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động xã hội và môi trường trước khi hợp đồng được ký kết.

Thứ tư, doanh nghiệp phải thực hiện thẩm định với đối tác địa phương để xem quá trình hoạt động của họ có tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường và xã hội cũng như kiểm tra vấn đề tham nhũng hay không.

Đây là những khó khăn có thể biết trước, các doanh nghiệp cần hiểu rõ để tránh những khiếu kiện sau này. Bởi suy cho cùng, nói như ông Phòng, nếu doanh nghiệp Việt không thay đổi cách thức đầu tư thì có thể sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực, không chỉ cho người dân địa phương và môi trường, mà còn cho cả thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Kinh tế Chính sách Đầu tư, CIEM: Cần đầu mối hướng dẫn đầu tư ra nước ngoài

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài vẫn chưa nắm bắt được thông tin và những hiểu biết căn bản về pháp luật, văn hóa bản địa… Các doanh nghiệp thương lúng túng vì không biết tìm thông tin này ở đâu, nhờ ai, cơ quan nào tư vấn. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã gặp phải rủi ro, tranh chấp về pháp lý hoặc không nhận được sự đồng thuận của người dân bản địa.

Đây không còn là vấn đề chủ động của doanh nghiệp nữa mà là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức đại diện. Đặc biệt vài trò của các hiệp hội doanh nghiệp, và cơ quan đại diện lớn nhất là VCCI cần có những hướng dẫn hoặc có đầu mối cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Bà Đỗ Thanh Huyền, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: Đầu tiên là ý thức tuân thủ

Bộ hướng dẫn còn được tham khảo từ các nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về kinh doanh và nhân quyền nên dù được xây dựng để sử dụng chủ yếu cho các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, nhưng vẫn có giá trị tham khảo áp dụng tại các quốc gia khác. Nhưng về phía doanh nghiệp, ý thức của nhà đầu tư cũng phải được nâng lên. Các doanh nghiệp cần hiểu rằng, đầu tư ra nước ngoài các chính sách hỗ trợ khác đầu tư trong nước rất nhiều.

Cẩm Anh - Huyền Trang