TP HCM: Làm gì để hạn chế tình trạng công trình xây dựng trái phép tràn lan?
Công trình xây dựng trái phép là thực trạng hiện nay của TP.HCM, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng phổ biến nhất là trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành.
Thực trạng toàn thành phố
Mới đây chính quyền quận Tân Bình, TP.HCM vừa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với 112 nhà dân xây dựng trái phép trên đất công đã được quy hoạch làm trường học, công viên. Tuy nhiên người dân lại khẳng định đến sống tại khu vực vườn rau từ năm 1954. Từ đó đến nay họ canh tác, sử dụng khu đất và không xảy ra tranh chấp. Cư dân cũng thực hiện nghĩa vụ thuế bằng nhiều hình thức.
Đó là một trong những vụ việc điển hình của tình trạng các công trình xây dựng trái phép tràn lan trên địa bàn toàn TP.HCM hiện nay. Một trong những nguyên nhân là do vấn đề quy hoạch đất đai chưa đồng nhất của chính quyền địa phương qua các thời kì khác nhau. Nhiều khu vực đất chưa được quy hoạch rõ ràng giữa đất nông nghiệp và đất xây dựng khiến vấn đề quản lý xây dựng gặp nhiều khó khăn, người dân xây dựng nhà ở không cần giấy phép, cơ quan quản lý thì không có cơ sở để xử phạt. Vấn đề kéo dài hàng chục năm dẫn đến tình trạng “nhờn” pháp luật diễn ra, nhiều công trình khác tương tự cứ vậy mọc lên.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Tồn tại hàng loạt công trình xây dựng trái phép - “Lỗi tại ai”?
07:05, 14/01/2019
22 công trình ‘xẻ thịt’ đất rừng Sóc Sơn bất động chờ 'lệnh'
14:50, 08/01/2019
TP HCM: Xử phạt hàng loạt các công trình gây cản trở giao thông.
05:36, 31/12/2018
NAPAS khởi công xây dựng công trình phòng học và giáo vụ cho học sinh miền núi huyện
07:23, 27/12/2018
Không chỉ có quận Tân Bình, tình trạng xây dựng công trình trái phép diễn ra ở hầu hết các quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể tại một công trình xây dựng không phép khác xảy ra tại địa chỉ 26/16 Khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM, cũng đang gây bức xúc trong dư luận khi để các công trình sai phạm này tồn tại nhiều năm qua, và cử tri đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền làm ngơ là vấn đề hết sức khó hiểu.
Theo thông tin phản ánh của người dân thuộc khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, cho biết: Nguồn gốc đất tại địa chỉ nêu trên thuộc đất của ông Bùi Văn Khuya, (một gia đình có công với cách mạng dùng đất này làm nghĩa địa từ năm 1975 đến nay), tuy nhiên, khu đất này hiện nay đã bị các hộ dân ngang nhiên lấn chiếm và xây dựng công trình không phép để kinh doanh buôn bán từ nhiều năm. Bức xúc về sự việc nêu trên người dân tại địa phương đã phản ánh tới chính quyền các cấp nhưng không hiểu lý do gì những công trình này vẫn hiên ngang tồn tại.
Vấn đề các công trình xây dựng trái phép vô tư mọc lên ở nhiều địa phương của TP.HCM mà không có sự can thiệp kịp thời từ phía cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng công trình tồn tại nhiều năm khiến vấn đề khó giải quyết thỏa đáng.
Khó quản lý do luật chồng chéo
Vấn đề công trình xây dựng trái phép tràn lan ở các quận huyện trên địa bàn TP.HCM là một thực trạng báo động hiện nay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó quản lý của cơ quan chức năng là do luật còn nhiều chồng chéo. Tại Hội nghị chuyên đề về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM mới đây, trình bày về vấn đề này ý kiến của Thanh tra xây dựng quận huyện cho rằng, tại điểm k, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng 2014, đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt sẽ miễn phép xây dựng nếu không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích, văn hóa.
Do đó, việc áp dụng xử lý hành vi xây dựng trái phép gặp nhiều bất cập, khó khăn dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tống Đức Tiến - Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, điều kiện cấp giấy phép xây dựng là phải rà soát theo quy định hiện hành, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn phép xây dựng nhưng không đồng nghĩa với việc không quản lý. Vì vậy, địa phương vẫn phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng được duyệt và các quy định của pháp luật liên quan quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị để quản lý.
Hai điều kiện tiên quyết để cấp phép xây dựng là phù hợp quy hoạch xây dựng và mục đích sử dụng đất. Theo đó, đất ở nông thôn hay đất ở đô thị đều là đất ở. Nếu thỏa mãn các điều kiện này thì cấp phép xây dựng. Đối với đất ở nông thôn, nếu đất đó hiện đã được quy hoạch là đất ở đô thị và có đầy đủ quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hoặc thiết kế đô thị thì mới cấp phép xây dựng.
Trong trường hợp khu vực chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt thì các địa phương cần phải quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc để làm cơ sở cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng. Tháng 10/2017 TP đã có chỉ đạo trong công tác khẩn trương triển khai lập thiết kế đô thị để cấp giấy phép xây dựng.
Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay nhu cầu về xây dựng trên đất nông thôn địa bàn các quận huyện là rất lớn. Trong khi đó Nghị định 139 thì không quy định xử phạt hành vi xây dựng trái phép đối với nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn. Vì vậy các cơ quan quản lý cần hết sức lưu ý và quản lý nghiêm ngặt để tránh tình trạng xây dựng trái phép tràn lan như hiện nay.