Kon Tum: Lâm tặc “manh động” ngày giáp Tết

Phạm Hưởng 18/01/2019 13:05

Những ngày cận Tết Nguyên đán lâm tặc, thành phần bất hảo, nghiện hút tràn về “thủ phủ” rừng xanh huyện Kon Plông (Kon Tum) ẩn nấp chờ thời cơ phá rừng.

Huyện Kon Plông căng sức bảo vệ, dù vậy máu rừng vẫn chảy, còn cán bộ liên tục bị lâm tặc tấn công. Tỉnh Kon Tum đã phát văn bản chỉ đạo cương quyết điều tra, truy quét các đối tượng tàng trữ vũ khí chống đối người thi hành công vụ.

Tấn công cả lực lượng bảo vệ rừng  

Huyện Kon Plông được mệnh danh “lá phổi xanh” của Tây Nguyên có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 128.736ha, trong đó diện tích đất có rừng 112.857ha. Rừng ở đây, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất.  Tuy vậy, cán bộ, công nhân viên ở đây liên tục bị các đối tượng chích hút, nghiện ngập ở nơi khác dạt về, vào rừng khai thác gỗ, chống đối lực lượng chức năng.

Dù căng sức bảo vệ nhưng rừng tại Tiểu khu 474 do UBND xã Măng Cành quản lí vẫn bị lâm tặc triệt hạ

Dù căng sức bảo vệ nhưng rừng tại Tiểu khu 474 do UBND xã Măng Cành quản lí vẫn bị lâm tặc triệt hạ

Gần nhất, báo cáo 03/CV-CTY (ngày 9/1) được ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Cty Lâm nghiệp Kon Plông - ký, gửi UBND tỉnh Kon Tum, trình bày: Vào lúc 10h30 ngày 4/1/2019, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, theo dõi bảo vệ rừng, 2 cán bộ của Chi nhánh Lâm trường Măng Cành (Cty Lâm nghiệp Kon Plông), là ông Nguyễn Khắc Cường và Vũ Văn Thưởng phát hiện nhóm 5 đối tượng đang xẻ gỗ trái phép tại khu vực khoảnh 12, tiểu khu 429 thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông.

Ông Thưởng ra ngoài khu vực có sóng điện thoại gọi báo Cty chi viện lực lượng. Ông Cường ở tại hiện trường dùng camera ghi lại hình ảnh vụ việc, trực tiếp làm việc với các đối tượng đề nghị dừng ngay việc khai thác gỗ trái phép, đồng thời yêu cầu các đối tượng về trụ sở Cty làm việc. Trên đường về, đã bị đồng bọn của nhóm đối tượng nêu trên (4 người đi từ ngoài vào hiện trường) chặn đánh.

Nhiều cây gỗ lớn bị triệt hạ còn ứa nhựa

Nhiều cây gỗ lớn bị triệt hạ còn ứa nhựa

Đến 13h cùng ngày, dưới sự phối hợp của Công an huyện, Hạt kiểm lâm và UBND xã Ngọc Tem, lực lượng chức năng đã đưa được 10 đối tượng về công an huyện xử lý, đồng thời thu giữ  3 cưa xăng, 1 ô tô 7 chỗ cùng một số dụng cụ phá rừng khác.

"Công an huyện đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan, bước đầu xác định số gỗ thiệt hại hơn 40,9m3, chủng gỗ loại chò chỉ. Vụ việc vẫn đang được Công an mở rộng điều tra", báo cáo 03 của Cty Lâm nghiệp Kon Plông.

Ông Vũ Văn Bắc – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kon Plông lo lắng: "Các đối tượng nghiện ngập nhiều lắm. Chúng phá rừng để lấy tiền chích hút, thuê cả người đồng bào dân tộc phá rừng. Thậm chí, hình thành cả băng đảng, thoắt ẩn thoắt hiện, đưa người lên phá rừng, phá xong rồi rút, rút xong lên lại. Liên tiếp nhắn tin đe dọa anh em, thách thức cơ quan chức năng".

Tỉnh cương quyết, cấp dưới có thờ ơ?

Huyện Kon Plông thừa nhận, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và phá rừng còn xảy ra, diễn biến phức tạp. Các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi, bất chấp pháp luật. Tình trạng phương tiện xe ôtô, xe máy độ chế, phương tiện chở người vận chuyển lâm sản trái phép chưa được xử lý dứt điểm. Rõ ràng, văn bản chỉ đạo truy quét và những cam kết truy quét đưa ra nhưng rừng vẫn bị tàn phá.  Đơn cử như tại Tiểu khu 474 lâm phần do UBND xã Măng Cành quản lí, rừng ở đây đã bị rỗng ruột.

Ngay tại bìa rừng, chúng tôi dễ dàng thấy những lối mòn dẫn vào giữa rừng tiểu khu 474. Tại đây, những lóng gỗ mục, cũ nằm vất vưởng. Tiến thêm 2km nữa, rừng bắt đầu bị chặt phá khá nhiều. Mùn cưa còn mới tinh, rải vàng cả khu vực. Nhiều gốc cây còn ứa nhựa. Những vết cắt bằng cưa xăng, sắc lẹm, có cây lâm tặc chưa kịp xẻ hộp, còn nằm ngay tại hiện trường.

Nhiều mô cưa còn nguyên tại hiện trường

Nhiều mô cưa còn nguyên tại hiện trường

Chủ tịch UBND xã Măng Cành - ông Trần Văn Nết xác nhận: "Tiểu khu 474 là lâm phận rừng do xã quản lý".  Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông - ông Vũ Tuấn Hải cho hay, sẽ tổ chức lực lượng truy quét, xử lý. Đó cũng là "cam kết" của Chủ tịch xã Măng Cành. "Trước mắt, để xảy ra phá rừng thì đơn vị chủ rừng (UBND xã) phải chịu trách nhiệm đầu tiên", lãnh đạo huyện Kon Plông nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo huyện Kon Plông thừa nhận: Lâm tặc thường chọn vào dịp cận Tết nguyên đán để phá rừng. Đây là thời điểm "nóng" trong công cuộc giữ rừng.

Phạm Hưởng