"Bức xúc" vì trạm thu phí BOT không tự nhiên mà có...
Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ đang kiểm tra đột xuất trạm thu phí cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để trả lời câu hỏi từ công luận.
Việc kiểm tra được thực hiện do có nhiều ý kiến người dân nghi ngờ vấn đề thu phí sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí này. Sau khi có kết quả kiểm Tổng cục đường bộ sẽ công bố công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng – đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay.
Nguyên nhân từ sự thiếu minh bạch?
Phân tích về nguyên nhân và những tồn tại nêu trên, Luật sư Bùi Gia Nên – Đoàn Luật sư TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước (DNNVV) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các lái xe dùng tiền lẻ để phản đối các trạm thu phí, hay việc dư luận nghi ngờ về con số thu chi của trạm thu phí cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... bắt nguồn từ những thông tin thiếu minh bạch.
Cụ thể, trong thời đại thông tin mở, công nghệ 4.0 thì việc đăng tải thông tin về dự án của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án các trạm thu phí BT, BOT, PPP… về loại hình đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, giá phí, lộ trình thu phí… là hoàn toàn có thể đăng tải những thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, thạm chí là tại các trạm thu phí. Nhưng vì sao những vấn đề này chúng ta không làm được, trong khi điều này hoàn toàn có thể. Sự công khai, minh bạch về thông tin cho người dân và doanh nghiệp được biết là vấn đề hoàn toàn cần thiết. Và chính những vấn đề này nếu chúng ta thực hiện tốt có thể tránh được gần như tối đa những sự việc đáng tiếc xảy ra – Luật sư Nên nói.
Cũng theo Luật sư Nên, người dân và doanh nghiệp không phải tự nhiên, bộc phát mà có những phản ứng đó. Việc họ phản ứng là hoàn toàn có cơ sở, thế nhưng khi giải quyết các vấn đề này thuộc về các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chức năng tại địa phương lại xử lý chưa rốt ráo, thấu tình đạt lý.
Đơn cử, các trạm thu phí BOT tại Bình Phước đang "bủa vây" người dân và doanh nghiệp nhưng chưa được sự quan của các cơ quan ban ngành địa phương là vấn đề hết sức đau lòng. Với quảng đường hơn 100 km từ Bình Phước đi TP HCM nhưng có tới 6 trạm thu phí, riêng đoạn đường DT 741 chiếm mất 5 trạm, tương đương hơn 20 km/1 trạm là khó tưởng tượng. Trước những bức xúc đó, dư luận đã lên tiếng, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, và ngày 7/5/2018, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo và đề nghị các bộ ngành, chính quyền địa phương kiểm tra rà soát toàn bộ các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thế nhưng sự việc vẫn chìm vào trong quên lãng – Luật sư Nên bức xúc.
Luật sư Nên cho biết thêm, ngày 3/11/2018, Hiệp hội DNNVV đã làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng Trung ương vì bị trạm thu phí BOT bủa vây. Và ngày 4/12/2018, Văn phòng Chính Phủ tiếp tục có văn bản để nghị cá bộ ngành, UBND tỉnh Bình Phước xử lý những vấn đề trên. Ngày 21/12/2018, Tỉnh Ủy Bình Phước có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước, tổ chức đối thoại cho các cá nhân, tổ chức, tuy nhiên từ đó tới nay Hiệp hội DNNVV, các thành viên trong hiệp hội vẫn chưa có cuộc đối thoại nào. Chưa dừng lại ở đó, ngày 4/1/2019, UBND tỉnh Bình Phước, ra văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước, chủ trì phối hợp với các sở ngành, chuẩn bị nội dung để đối thoại với các doanh ngiệp, Hiệp hội… Thế nhưng Sở GTVT lại đi ngược theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, thông qua việc cho nhân viên nhắn tin và mời đích danh Chủ tịch Hiệp hội DNNVV và Phòng an ninh kinh tế - Công an tỉnh Bình Phước tới để làm việc là điều hết sức khó hiểu – Luật sư Nên nói.
Nóng chủ trương, nguội… thực tiễn?
Còn nhớ 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động rà soát, xử lý tồn tại, bất cập trong các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng cho rằng, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là phương thức đầu tư cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Lĩnh hội sự chỉ đạo đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có BOT; nhờ đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển tích cực, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới. Và đó có thể nói là niềm vui, sự thành công trọn vẹn từ phía các bộ ngành Trung ương. Tuy nhiên, những chỉ đạo đó khi về tới các địa phương, đâu đó vẫn còn nhiều câu chuyện đáng buồn.
Điểm lại những chuyện kém vui từ các dự án BOT, trạm thu phí và nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch có thể thấy: Ở thời điểm giữa năm 2018, trạm thu phí BOT Cai Lậy - Tiền Giang, được một phen dậy sóng bởi các tài xế khi dùng tiền lẻ trả phí khi qua trạm để phản đối với lý do “trạm thu phí đặt nhầm vị trí”. Và sự việc này đã dẫn đến tình trang ách tắc giao thông hàng giờ đồng hồ khiến chủ đầu tư phải nhiều lần xả trạm. Hay câu chuyện cuối năm 2018, trạm thu phí An Sương – An Lạc cũng bị những phản đối tương tự vì thông tin cho rằng chủ đầu tư đã thu phí “lố” nhiều tháng…
Tiếp bước những chuyện kém vui về trạm thu phí ở những ngày cuối năm 2018, thì ngay những ngày đầu xuân năm 2019, một vụ án cướp tiền có vũ khí xảy ra lúc 7 giờ ngày 7/2/2019, tại Trạm thu phí Dầu Giây thuộc đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hai nghi can cướp trang bị súng, dao đã xông vào phòng Kế toán vé thẻ (phòng có két sắt đựng tiền thu phí) trong lúc nhân viên thực hiện xong công tác giao nhận ca (lúc này két sắt đang được mở để cất tiền thu phí vừa thu được trong ca 3 của ngày 6/2 là hơn 2 tỉ đồng.
Tối 10/2/2019, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô (BKS 51A-558.50 và 51G-772.56) vào các tuyến cao tốc do VEC quản lý, do tài xế những xe này có hành vi gây rối tại trạm thu phí trên cao tốc TP HCM – Dầu Dây.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp kêu cứu vì bị trạm thu phí BOT “bủa vây”: 7 tháng vẫn chưa có kết quả thanh tra?
07:47, 25/12/2018
Bình Phước và “miếng bánh” BOT! Kỳ I: Những “miếng bánh” BOT... được chia nhỏ
17:12, 16/04/2018
Nên thành lập đoàn Thanh tra liên ngành để công khai, minh bạch phí BOT
13:30, 16/02/2019
Ngày 12/2/2019, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo và giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ các quy định pháp luật để chỉ đạo VEC phải thu hồi quyết định trái thẩm quyền đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Với câu chuyện về trạm thu phí… BOT được tổng hợp trong 1 năm qua, có lẽ là nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Những tồn tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng, cũng như đúng với tinh thần “giao Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án nêu trên, hoàn thành trước ngày 20/11/2018. Đông thời, xem xét kỹ từng trường hợp, thống nhất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: “Xử lý các vướng mắc đối với các dự án, không để xảy ra mất an toàn giao thông và an ninh trật tự; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đối tượng quấy phá tại các trạm thu phí. Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc khắc phục các bất cập của mình để lấy lại niềm tin cho nhân dân cũng như không làm ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức BOT”.