Sửa đổi chính sách để đáp ứng CPTPP

Huyền Trang - thực hiện 24/02/2019 11:15

Ông TRẦN VIỆT DŨNG, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM khẳng định sửa đổi chính sách là một trong những thách thức lớn của Việt Nam khi gia nhập vào CPTPP.

- Với hệ thống pháp luật hiện tại, để thích ứng với các tiêu chuẩn của CPTPP, theo ông Việt Nam sẽ phải sửa đổi những chính sách nào?

Trong thời gian qua Việt Nam đã rất tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế thông qua việc đàm phán tham gia vào các thiết chế thương mại khu vực. Chính phủ đã đàm phán ký kết 15 FTA với các đối tác thương mại khác nhau trên thế giới. Phải nhận định rằng các quy định trong CPTPP cũng như các FTA thế mới rất phức tạp, với nhiều tiêu chuẩn cao hơn các hiệp định thương mại trước đây của Việt Nam đồng thời bao trùm lên nhiều lĩnh vực thương mại phi truyền thống như lao động, môi trường, đầu tư, thương mại điện tử, mua sắm công…

Điều này sẽ đặt Việt Nam trước nhiều thách thức về mặt pháp lý, trong đó có các khó khăn trong việc chuyển hóa các quy định của CPTPP vào hệ thống pháp luật trong nước.

Theo quy định của Điều 6.2 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, để chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế nói chung và của các FTA nói riêng (không được áp dụng trực tiếp), Việt Nam sẽ phải tiến hành một trong các công việc: sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật hiện có; bãi bỏ quy định hoặc văn bản quy phạm pháp luật hiện có; ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới.

Như vậy, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi rất nhiều những luật liên quan tới các quy định của FTA này, điển hình như Luật lao động, sở hữu trí tuệ, môi trường, tài chính ngân hàng, an toàn - an ninh thông tin, đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng…

Nhưng công việc này đòi hỏi thời gian và phải có lộ trình cụ thể, khoa học.

Có thể bạn quan tâm

  • Kế hoạch thích ứng CPTPP (Kỳ II): Hành động từ phía cơ quan nhà nước

    Kế hoạch thích ứng CPTPP (Kỳ II): Hành động từ phía cơ quan nhà nước

    11:02, 21/02/2019

  • Doanh nghiệp Việt vẫn

    Doanh nghiệp Việt vẫn "hụt hơi' với CPTPP

    11:00, 15/02/2019

  • Quyền khởi kiện và những lưu ý của doanh nghiệp trong CPTPP

    Quyền khởi kiện và những lưu ý của doanh nghiệp trong CPTPP

    06:30, 08/02/2019

Có một vấn đề khác cũng rất cần lưu tâm đó là có nhiều lĩnh vực thương mại, nhất là thương mại dịch vụ, việc mở cửa thị trường thường có các cấp độ và lộ trình khác nhau. Việc chuyển hóa không được tiến hành đồng thời, mà rải rác vào nhiều thời điểm khác nhau điều này có thể gây ra những khó khăn cho việc xây dựng khung pháp lý về tiếp cận thị trường. Khi các điều kiện về tiếp cận thị trường trong FTA này chưa được nội luật hóa, nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó có thể yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cho phép hoặc cho đăng ký kinh doanh những ngành nghề đó.

Các quy định phức tạp trong CPTPP đặt Việt Nam trước nhiều thách thức về mặt pháp lý, trong đó có các khó khăn trong việc chuyển hóa các quy định của CPTPP vào hệ thống pháp luật trong nước.

- Cải cách thể chế cũng là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào một sân chơi chung như CPTPP. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch trong nhiều hoạt động kinh tế, trong đó có mua sắm công và hoạt động doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nhiều tồn tại. Vậy, theo ông đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Thúc đẩy minh bạch hóa các cơ chế quản lý nhà nước là một trong những mục tiêu quan trọng mà các FTA thế hệ mới đề rà nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm minh bạch và dễ dự đoán, qua đó tạo điều kiện cho các thương nhân trong và ngoài nước có thể cạnh tranh công bằng. Các nhà đàm phán CPTPP coi yêu cầu về minh bạch sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp; góp phần hoàn thiện môi trường thể chế, minh bạch hóa chính sách đặc biệt là trong thị trường mua sắm công, đấu thầu của Chính phủ.

Để thực hiện yêu cầu này, không đơn giản và cần phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi Chính phủ phải tích cực tận dụng các thành tựu của công nghệ thông tin. Mô hình Chính phủ điện tử với các quy trình rõ ràng, minh bạch sẽ nâng cao hiệu quả và giảm thiểu các trường hợp tiêu cực trong quản lý nhà nước nói chung và mua sắm công nói riêng.

fghj

Ảnh minh họa

- Việt Nam đã ký thư song phương với các thành viên CPTPP về các nghĩa vụ Tự do lưu chuyển thông tin và Yêu cầu đặt máy chủ tại nước sở tại Chúng ta phải làm gì để vừa bảo đảm an ninh quốc gia nhưng cũng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại số, thưa ông?

CPTPP mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ qua internet và các dịch vụ thương mại điện tử. Điều 14.13 CPTPP không cho phép các quốc gia thành viên yêu cầu một doanh nghiệp nước ngoài phải đặt hệ thống máy chủ trên lãnh thổ của mình như là một điều kiện để được hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ nước mình.

Điều 26 Luật An ninh mạng quy định buộc các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam.

Quy định trên của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) trái với tinh thần của điều 14.13 CPTPP. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề này là đáng lưu ý, tuy nhiên trước mắt sẽ không kéo theo bất kỳ hậu quả nào đối với Việt Nam.

Trước hết, theo quy định của Điều 14.18, Việt Nam sẽ không thể bị khiếu kiện bởi cơ chế giải quyết tranh chấp của CPTPP đối với các nghĩa vụ tại liên quan đến lưu chuyển thông tin biên giới bằng phương tiện điện tử và về yêu cầu đặt máy chủ. Ngoài ra, Việt Nam còn ký kết các Thỏa thuận song phương với các quốc gia thành viên của CPTPP để đạt được sự thỏa thuận về hai vấn đề này. Các Thỏa thuận song phương này giúp Việt Nam không bị khiếu kiện liên quan đến các nghĩa vụ tại điều 14.13 và 14.11 trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, CPTPP cũng quy định trường hợp ngoại lệ đối với yêu cầu chung của Điều 14.13. Theo đó, biện pháp kiểm soát máy chủ của quốc gia sở tại sẽ được chấp nhận nếu biện pháp đó nhằm mục tiêu đảm bảo chính sách công cộng chính đáng và việc áp dụng biện pháp đó không tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô lý, hoặc cản trở thương mại trá hình. Nói cách khác việc áp đặt các hạn chế hơn mức cần thiết đối với việc sử dụng và đặt hệ thống máy chủ là để thực hiện mục tiêu chính sách công cộng, bao gồm an ninh mạng.

Một cách tổng quát, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao cũng như các Bộ chuyên ngành để đảm bảo quá trình xây dựng pháp luật phù hợp với quy định của CPTPP. Các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội sẽ vẫn phải được thực hiện, tuy nhiên cần phải bảo đảm chúng không phải là rào cản thương mại trá hình và không gây ra khó khăn, cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng công nghệ, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

- Hiện tại, kinh nghiệm xử lý những tranh chấp kinh tế quốc tế của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta nên làm thế nào để có thể giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Tranh chấp thương mại là điều tất yếu trên thương trường và vì vậy chúng ta không thể tránh mà phải sẵn sàng đối mặt với vấn đề này. Tất nhiên, chúng ta phải có gắng hạn chế tranh chấp vì nó gây tốn kém cho Việt Nam. Theo tôi, trước hết nhà nước cần đầu tư xây dựng một đội ngũ các “luật sư công” – các cán bộ chuyên viên tư pháp có chuyên môn tốt về luật thương mại quốc tế. Họ sẽ thực hiện các hoạt động rà soát pháp lý và tư vấn cho cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các chính sách và áp dụng các biện pháp thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; đồng thời sẽ nhanh chóng tiếp cận và giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại theo cách có lợi nhất cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng nhà nước cần coi trọng các cơ chế giải quyết tranh chấp sớm, trước khi vấn đề được đưa ra tòa án quốc tế/trọng tài quốc tế. Thực hiện cơ chế thương lượng, hòa giải, tham vấn hiệu quả sẽ giúp quá trình giải quyết tranh chấp được nhanh gọn và tiết kiệm cho các bên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Huyền Trang - thực hiện