Đối phó với "Made in Viet Nam" mập mờ xuất xứ

Nguyễn Việt thực hiện 02/03/2019 06:21

Thời gian qua, người tiêu dùng Việt cũng như các cơ quan quản lý đang có sự hiểu nhầm về “Made in Viet Nam” với hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam.

Đây là chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) với báo DĐDN về những “mơ hồ” và cả sự “mập mờ” với những hàng hóa “Made in Viet Nam”.

- Bà có nói đến sự “hiểu nhầm” của người tiêu dùng về hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam. Vậy bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Về xuất xứ hàng hóa được quy định rất rõ tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, có một số tiêu chí cơ bản để xác định một sản phẩm có xuất xứ hay không.

Thứ nhất, sản phẩm đó phải là sản phẩm có xuất xứ thuần túy. Đây là sản phẩm được trồng, thu hoạch, khai thác, đánh bắt, chế biến…tại quốc gia đó thì sẽ được coi là sản phẩm có xuất xứ thuần túy.

Thứ hai, sản phẩm được cho là có xuất xứ không thuần túy là sản phẩm có sử dụng thành phần nguyên phụ liệu nhập khẩu, thì sẽ phải đáp ứng một trong 3 điều kiện như sau.

Điều kiện thứ nhất, sản phẩm đó sẽ diễn ra sự chuyển đổi HS hàng hóa. Sự chuyển đối HS hàng hóa có thể 4 số hoặc 6 số tùy vào từng sản phẩm cụ thể.

Điều kiện thứ hai, tiêu chí về tỉ lệ phần trăm, là hàm lượng giá trị gia tăng khu vực tại quốc gia đó phải lớn hơn 30%.
Điều kiện thứ ba, đáp ứng những công đoạn của quá trình sản xuất, gia công, chế biến, chuyển đổi hàng hóa.

Có thể bạn quan tâm

  • Mập mờ xuất xứ “made in Viet Nam” để hưởng ưu đãi thuế

    Mập mờ xuất xứ “made in Viet Nam” để hưởng ưu đãi thuế

    17:05, 01/03/2019

  • Thể chế pháp lý cho ghi nhãn “made in Vietnam”

    Thể chế pháp lý cho ghi nhãn “made in Vietnam”

    11:05, 17/02/2019

  • Vì sao người dùng thờ ơ với mạng xã hội

    Vì sao người dùng thờ ơ với mạng xã hội "made in Vietnam"?

    02:47, 11/09/2018

  • Đừng vấy bẩn

    Đừng vấy bẩn "Made in Vietnam"

    13:58, 02/08/2018

  • Xe “made in Việt Nam” có thể được giảm thuế?

    Xe “made in Việt Nam” có thể được giảm thuế?

    08:00, 28/03/2018

- Tuy nhiên, đối với quy định “Made in Viet Nam” từ trước đến nay chúng ta đều thấy một sản phẩm chỉ cần qua quá trình gia công, lắp ráp thì cũng có thể được ghi nhãn mác “Made in Viet Nam”, thưa bà?

Từ khái niệm “Made in Viet Nam”, chúng ta thấy rằng chỉ cần thực hiện những công đoạn gia công, thậm chí gia công đơn giản thì cũng được ghi “Made in Viet Nam” hoặc có những quy định ghi “được lắp ráp tại Việt Nam” hay có khi lại ghi “được đóng gói tại Việt Nam”… Trong khi đó, tại quy định về quy tắc xuất xứ cho sản phẩm thì những công đoạn gia công đơn giản như vậy sẽ không được xác định là sản phẩm có xuất xứ.

Tại quy định về quy tắc xuất xứ cho sản phẩm thì những công đoạn gia công đơn giản sẽ không được xác định là sản phẩm có xuất xứ.

Ví dụ, linh kiện nhập khẩu về rồi gá lắp lại, những hoạt động phân loại, thay đổi bao bì nhãn mác sản phẩm, lau chùi, bảo quản sản phẩm, phơi, thông gió… nhằm mục đích bảo quản sản phẩm sẽ không được coi là có xuất xứ. Và danh mục những hoạt động gia công đơn giản đó được quy định rất cụ thể tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên, đối với những sản phẩm có ghi “Made in Viet Nam”, chúng ta nhận thấy rằng, những hoạt động gia công đơn giản đó vẫn được coi là sản phẩm có “Made in Viet Nam”. Qua đây cho thấy, giữa một bên là sản phẩm có xuất xứ và bên kia là sản phẩm ghi “Made in” có sự khác nhau rất nhiều. Một sản phẩm được nhìn nhận có xuất xứ tại Việt Nam sẽ là “Made in Viet Nam”, nhưng ngược lại một sản phẩm được coi là “Made in tại Viet Nam” lại chưa chắc đã đáp ứng được tiêu chí về xuất xứ tại Việt Nam. Nói như vậy để tránh sự hiểu lầm giữa “Made in Viet Nam” với xuất xứ của Việt Nam.

Với quy định về ghi nhãn mác “Made in”, gần đây có Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định rất chung chung, trước đó là Nghị định 89/2006/NĐ-CP lại quy định rất cụ thể về trường hợp ghi “Made in tại Viet Nam”. Theo tôi được biết, vấn đề này đã được kéo dài và khái niệm “Made in Viet Nam” nghiễm nhiên được hiểu là sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam.

- Sự hiểu nhầm như vậy gây ra khó khăn gì, thưa bà?

Trong giai đoạn hiện nay, sự hiểu nhầm này rất nhạy cảm đối với những sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Mỹ. Chúng ta đang chứng kiến cuộc chiến thương mại giữa hàng hóa Trung Quốc với hàng hóa của Mỹ, họ đang áp dụng mức thuế rất cao với hàng hóa Trung Quốc, từ đây dẫn đến sự dịch chuyển của các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì chúng ta sẽ đón được luồng đầu tư từ nước ngoài vào. Tuy nhiên, đi cùng đó sẽ là sự cảnh báo cho các doanh nghiệp của Việt Nam, vì đây có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp lợi dụng đưa hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam để mượn xuất xứ hưởng ưu đãi thuế.

Nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có nhà xưởng, máy móc và thực hiện đầy đủ các quy trình gia công đáp ứng được quy định về xuất xứ của Việt Nam thì sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu doanh nghiệp đó “bắt tay” với đối tác bên Trung Quốc chỉ để gia công đơn giản tại Việt Nam nhằm mục đích có được C/O để mượn mác của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thì sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Qua đây, chúng tôi xin cảnh báo tới cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam cần đề cao cảnh giác để tránh sự mời chào hay cám dỗ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trước khi thực hiện ký kết hợp đồng với đối tác thì doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ sản phẩm đó có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hay không. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị những cơ quan cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp cần có sự đánh giá về quy mô và mức độ đầu tư của doanh nghiệp. Từ đây có thể tư vấn, hướng dẫn và giúp doanh nghiệp ngay từ ban đầu khi tiến hành làm thủ tục đầu tư và cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Việt thực hiện