Bất thường vụ đấu giá dự án nghìn tỷ

Nguyễn Hùng 31/03/2019 11:30

Dự án khu dân cư Hòa Lân của Công ty Thiên Phú ở TX Thuận An, tỉnh Bình Dương có trị giá hơn 1 nghìn tỷ đồng, được đem bán đấu giá, nhưng phải qua 12 lần thông báo mới có người tham gia?

Dự án khu dân cư (KDC) Hòa Lân có tổng diện tích 56ha thuộc sở hữu của Công ty Thiên Phú (Cty Thiên Phú) và là dự án KDC có quy mô lớn nhất của tỉnh Bình Dương.

p/Công trường dự án khu đô thị Hòa Lân (thị xã Thuận An, Bình Dương).

Công trường dự án khu đô thị Hòa Lân (thị xã Thuận An, Bình Dương).

Khuất tất từ đâu?

Với tài sản trên, Cty Thiên Phú có thế chấp vay 305 tỷ đồng và gần 19 nghìn lượng vàng của Agribank Chợ Lớn với tổng số tiền bao gồm đã quy đổi từ vàng là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi vay xong, Cty Thiên Phú đã gặp khó khăn về tài chính nên ngày 17/4/2015, doanh nghiệp này buộc phải ký biên bản thỏa thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng với Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn ở quận 7, TP HCM bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đấu giá thành công tài sản này phải trải qua 12 phiên đấu giá kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017.

Theo thông tin mà DĐDN có được, tại phiên đấu giá từ lần 1-3 chỉ có duy nhất 01 đơn vị tham gia đấu giá là Công ty Hòa Bình Xanh, thế nhưng ngày 10/11/2015 Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho Agribank Chợ Lớn biết “không có khách hàng nào tham gia”.
Ngày10/5/2016, Cty Hòa An Lộc, Bình Dương nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá, và tương tự tại phiên thông báo bán đấu giá (lần 6) ngày 23/5/2016, Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn lại tiếp tục thông báo cho Agribank Chợ Lớn “không có khách hàng tham gia”.

  12 lần thông báo mới có đơn vị tham gia đấu giá dự án nghìn tỷ. Thế nhưng sau khi đấu giá thành công lại là câu chuyện với những mảng xám tối đan xen, mà dư luận đang dấy lên nhiều nghi vấn?

Ngày 31/5/2016, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 7, có 2 công ty đăng ký tham gia đấu giá là Cty Hòa An Lộc và Cty Hòa Bình Xanh, và ngày 22/6/2016 Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn vẫn thông báo cho phía ngân hàng biết “không có khách hàng tham gia đấu giá”.

Ngày 22/9/2016, Cty Trung Quý Huế, Thừa Thiên Huế mua hồ sơ, nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá. Thế nhưng tại phiên thông báo đấu giá (lần 9), ngày 8/11/2016, Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn tiếp tục thông báo “không có khách hàng tham gia”.

Sau 10 phiên thông báo bán đấu giá tài sản với những thông tin phản hồi lại cho Agribank Chợ Lớn, Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn chỉ duy nhất có một câu được sử dụng liên tục trong thông báo đều là “không có khách hàng tham gia”.

Và cứ sau mỗi phiên “không có khách hàng tham gia”, giá trị tài sản của Dự án KDC Hòa Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 1.467,7 tỷ đồng chỉ còn 1.070 tỷ đồng, và cho tới thông báo lần thứ 11 thì tài sản này chỉ còn có 963 tỷ đồng?

Có thể bạn quan tâm

  • Đấu giá đất ở Hải Phòng: Nước đã đến chân

    Đấu giá đất ở Hải Phòng: Nước đã đến chân

    06:39, 16/11/2018

  • Thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông phải thông qua đấu giá

    Thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông phải thông qua đấu giá

    13:00, 01/11/2018

  • Thất thoát vốn Nhà nước khi doanh nghiệp không đấu giá đất trước cổ phần hoá

    Thất thoát vốn Nhà nước khi doanh nghiệp không đấu giá đất trước cổ phần hoá

    14:27, 31/10/2018

12 lần đấu giá…vẫn “bất thường”?

Tại phiên đấu giá sau lần thông báo thứ 12, ngày 25/5/2017, Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức đấu giá gồm có 03 đơn vị tham gia, bao gồm: Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cty A Đông Hải và Cty CP Đầu tư Thái Bình. Sau 14 vòng trả giá thì Cty A Đông Hải là đơn vị trúng đấu giá, với giá mua là 1.353 tỷ đồng.

Theo quy định của Agribank Chợ Lớn, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá, chậm nhất là 45 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế thì sau gần 2 năm kể từ khi trúng đấu giá, tức đến tháng 11/2018 Cty A Đông Hải mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng cho Agribank Chợ Lớn, còn nợ 478 tỷ đồng.
Điều đáng nói là tại phiên đấu giá lần cuối này, Thuduc House là đơn vị trả giá thấp hơn kế tiếp, nhưng là đơn vị duy nhất có văn bản cam kết thanh toán bằng hình thức trả tiền ngay sau khi trúng đấu giá, lại không được xem xét là vấn đề hết sức khó hiểu.

Trước những thông tin trên, Bộ Tư pháp đã chính thức vào cuộc và tại Kết luận, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng chỉ ra, Cty dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn có sai phạm quy chế đấu giá và thông báo bán đấu giá có nội dung không thống nhất. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng chỉ ra những sai phạm của Văn phòng Công chứng Thành phố Mới (Bình Dương) khi công chứng hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá dù chưa đảm bảo theo quy định pháp luật.

Những vi phạm của Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn mà Thanh tra Bộ Tư pháp đã nêu ở kết luận đã được xử lý như thế nào, công ty này hiện nay ở đâu, hoạt động ra sao? Vì sao các yêu cầu chính đáng của các đơn vị khác có thuận lợi và minh bạch hơn, đảm bảo cho tài sản nhà nước không bị thất thoát như phương án mà Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức lại không áp dụng?

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin

Nguyễn Hùng