Người dân vẫn sợ nạn “vòi vĩnh”

Huyền Trang 03/04/2019 17:05

Kết quả PAPI 2018 cho thấy, người dân và doanh nghiệp vẫn phải “lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp “sổ đỏ” và việc lạm dụng công quỹ chưa giảm.

TS Paul Schuler, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Theo ông Paul Schuler, kết quả khảo sát cho thấy, gần 60% số người trả lời cho rằng, tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong 3 năm qua, song chỉ 50% số người trả lời rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. Kết quả khảo sát PAPI 2018 cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong 3 mối quan ngại hàng đầu của người dân.

p/Những vấn đề được người dân quan ngại nhất. Biểu đồ: PAPI

Những vấn đề được người dân quan ngại nhất. Biểu đồ: PAPI

Vẫn còn nhũng nhiễu

Đáng chú ý, khi đo mức độ công khai, minh bạch đất đai là, từ năm 2011 đến 2018, chưa đến một phần tư dân số có thể truy cập thông tin về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất của địa phương và chưa đến một phần ba có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Một trong những cải thiện đáng kể nhất là chính quyền cơ sở giảm bớt việc sử dụng áp lực để buộc công dân đóng góp bằng tiền, hiện vật, hoặc ngày công lao động cho dự án cơ sở hạ tầng tại địa bàn địa phương.

Kết quả khảo sát PAPI 2018 cho thấy tỷ lệ người dân bị chính quyền địa phương ép buộc đóng góp cho dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng tại địa phương có xu hướng giảm. Khoảng 50% những người đóng góp cho biết họ đã đóng góp tự nguyện trong năm 2017 và 2018, tăng so với tỷ lệ 45% trước năm 2017. “Dường như người dân có quyền chủ động hơn trong việc quyết định tham gia đóng góp tự nguyện cho dự án phát triển hạ tầng ở địa phương”, báo cáo nêu.

Tại các địa phương hiện nay tồn tại một số thách thức ở những khía cạnh quản trị công như minh bạch thông tin đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến giấy CNQSDĐ.

Mặc dù lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công cũng có nét khởi sắc, cải thiện từng bước ở cả bốn nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công PAPI đo lường, gồm: dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cấp cơ sở; dịch vụ cấp phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy CNQSDĐ và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường. Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm trung bình chung toàn quốc năm 2018 (7,39 điểm) và điểm cao nhất mong muốn đạt được (10 điểm), đặc biệt là dịch vụ “một cửa” liên quan đến giấy CNQSDĐ.

Ngoài ra, xu thế thu hồi đất thổ cư trong năm 2018 khá ổn định, mặc dù tỷ lệ người trả lời cho biết hộ gia đình họ bị thu hồi đất tăng không đáng kể so với năm 2017. Với những trường hợp bị thu hồi đất thổ cư, mức độ hài lòng với bồi thường thu hồi đất của những hộ bị thu hồi đất thổ cư có xu hướng tăng nhẹ, song chỉ dừng ở tỷ lệ dưới 40%. Điểm nội dung về thu hồi đất và bồi thường thu hồi đất cho thấy minh bạch đất đai vẫn là một lĩnh vực cần nhiều nỗ lực thúc đẩy và cải thiện từ địa phương.

Chi phí “lót tay” để có được việc làm chưa giảm

Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018, người dân cảm nhận vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, “lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước, lạm dụng công quỹ chưa giảm.

Bên cạnh đó, mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.

Báo cáo nhận định, rất có thể cảm nhận tích cực này một phần là do tác động của truyền thông đại chúng khi đưa tin về những nỗ lực chống tham nhũng ở cấp trung ương từ năm 2017 đến nay, nhất là trong xử lý các vụ đại án tham nhũng, chứ chưa hẳn do hiệu quả kiểm soát hành vi tham nhũng vặt trong hoạt động công vụ của chính quyền địa phương hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ công. Báo cáo này nhận định, chính quyền địa phương còn rất nhiều việc cần phải làm để đáp ứng kỳ vọng ngày một cao của người dân. Khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47.05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả tám chỉ số nội dung) còn rất xa. Khoảng cách này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • PAPI 2018: Người dân hài lòng hơn với dịch vụ công tại địa phương

    PAPI 2018: Người dân hài lòng hơn với dịch vụ công tại địa phương

    21:00, 02/04/2019

  • PAPI 2018: Lo ngại về môi trường gia tăng đột biến

    PAPI 2018: Lo ngại về môi trường gia tăng đột biến

    17:19, 02/04/2019

  • PAPI 2018: Nhiều quan ngại về đói nghèo và tham nhũng

    PAPI 2018: Nhiều quan ngại về đói nghèo và tham nhũng

    14:32, 02/04/2019

Trong khi đó, điểm chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” năm 2018 ở mức thấp, với mức điểm cấp tỉnh chỉ trong khoảng từ 4,31 đến 5,6 trên thang điểm từ 1 đến 10. Khoảng cách về điểm ở chỉ số nội dung này rất nhỏ, cho thấy các tỉnh/TP trên toàn quốc không có nhiều khác biệt trong thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân. Các tỉnh/thành phố phía Bắc đạt điểm cao hơn các tỉnh/thành phố phía Nam ở chỉ số nội dung này: có tới 10 trong số 16 địa phương trong nhóm đạt điểm cao nhất ở phía Bắc.

Dữ liệu PAPI góp phần quan trọng cho việc rà soát hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030 của Việt Nam.

Báo cáo phản ánh trải nghiệm và ý kiến của 14.304 người dân được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc với phương pháp chọn mẫu khoa học theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo đặc điểm nhân khẩu đa dạng của mẫu. Báo cáo cũng tóm lược ý kiến của 117.363 lượt người dân đã tham gia trả lời khảo sát PAPI thông qua phỏng vấn trực tiếp từ năm 2009 đến 2018.

Huyền Trang