Cà phê Gia Lai: Bất ngờ “đổ bệnh” lỗ hơn 24 tỷ đồng
Nhiều năm làm ăn có lãi, doanh nghiệp được xếp loại A, Giám đốc Cty nhận lương hàng tháng trên 20 triệu đồng nhưng đúng vào thời điểm chuyển thành Cty cổ phần thì doanh nghiệp bất ngờ "đổ bệnh”.
Công ty này còn bị “tố” có nhiều sai phạm để xảy ra tranh chấp với người công nhân hậu cổ phần hóa và nợ thuế đã đẩy nhà đầu tư vào thế khó.
Lỗ đúng thời điểm “hoàng hôn” nhiệm kỳ
Ngày 31/7/2018, Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai bán đấu giá thành công 6,483,087 cổ phiếu (tương đương 44.17% vốn điều lệ) trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX) cho 38 cá nhân với giá đấu bình quân 11,029 đồng/cp. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 71.5 tỷ đồng.
Tháng 4/2018, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Gia Lai đổi tên là Cty cổ phần cà phê Gia Lai và bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp với vốn điều lệ hơn 146.7 tỷ đồng, tương đương tổng số cổ phần phát hành gần 14.7 triệu cổ phiếu. Trong đó bán cho nhà đầu tư chiến lược 51% vốn điều lệ (7,484,913 cp), bán ưu đãi cho người lao động 4.83% vốn (708,300 cp) và bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 44.17% vốn (6,483,087 cố phiếu). Giá khởi điểm chào bán là 11,000 đồng/cổ phiếu.
Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai được tỉnh Gia Lai giao quản lý trên 1.681 ha đất tại 3 huyện Chư Sê, Chư Prông và Ia Grai. Công ty có chức năng trồng cà phê, cao su, kinh doanh phân bón nông nghiệp, mua bán nông lâm sản, sản xuất các sản phẩm cà phê.
Sở Tài chính Gia Lai cho biết, kết quả báo cáo thuế, giám sát tài chính thì doanh nghiệp này nhiều năm làm ăn có lãi, được xếp loại A, lương giám đốc trên 20 triệu/tháng. Nhưng kết quả kinh doanh từ thời điểm UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành Cty cổ phần (từ ngày 1/7/2017 – 12/9/2018) thì bỗng dưng “đổ bệnh”. Báo cáo kiểm toán của Cty Kiểm toán AVN Việt Nam lỗ hơn 24 tỷ đồng, trong đó lỗ do sản xuất kinh doanh hơn 13 tỷ đồng.
Theo lý giải của ông Võ Ngọc Hiếu, Giám đốc Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai sản xuất kinh doanh bị lỗ do phát sinh các khoản chi phí như chi phí quản lý 248 ha đất, tài sản trên đất tại chi nhánh Ia Phìn, huyện Chư Prông; chi phí đo đạc, lập bản đồ; công nợ phải thu không thể thu hồi; khoản phạt vi phạm hành chính về thuế, lãi nộp chậm tiền thuê đất; chi phí trồng bơ, sầu riêng bị chết…
Chiều 9/4, tại Sở Tài chính, đại diện các bên liên quan họp bàn nhưng vẫn không thống nhất một số khoản vào số tiền lỗ hơn 24 tỷ đồng như chính nguyên nhân ông Võ Ngọc Hiếu liệt kê, lý giải. Ngoài ra, Sở Tài chính và đại diện các bên cũng làm rõ những sai phạm như tẩu tán đất đai, xây dựng các công trình khi tỉnh chưa cho phép và đặc biệt giám đốc doanh nghiệp còn “vẽ” dự án trồng sầu riêng, bơ mà Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh. Tại buổi làm việc thống nhất, nếu đến ngày 20/4 không làm rõ những sai phạm, khoản lỗ thì chuyển sang Thanh Tra hoặc Công an tỉnh điều tra làm rõ.
Ông Trịnh Đình Trường – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần cà phê Gia Lai cho rằng, nếu không làm rõ khoản lỗ 24 tỷ đồng, cộng thêm tiền nợ đọng thuế đất hơn 6,2 tỷ đồng thì nhà đầu tư phải gánh đến hơn 30 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ ngân hàng 51,5 tỷ đồng tiền mặt trả nợ để rút các hồ sơ về.
Trước đó, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phán những sai phạm, khuất tất tại Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai do ông Võ Ngọc Hiếu làm giám đốc. Tỉnh Gia Lai có văn bản số 913 do Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh – Nguyễn Quảng Hà ký - gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) – cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tỉnh. Ngày 29/3, Sở KHĐT đã có văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai và Cty cổ phần cà phê Gia Lai xem xét, báo cáo nội dung báo chí phản ánh gửi Sở KHĐT.
Cây “bóng mát” bỗng hóa thành cây sầu riêng, bơ?
Tỉnh Gia Lai không cho chủ trương trồng xen cây sầu riêng, bơ vào trong các lô cà phê của công nhân nhưng ông Võ Ngọc Hiếu giám đốc Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai vẫn tự ý mua giống cho công nhân trồng. Khi kiểm kê tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, trong mục kiểm kê ghi là cây “bóng mát”. Kiểm tra thực tế, nhà đầu tư (nay là Cty cổ phần cà phê Gia Lai) “tá hỏa” phát hiện cây bóng mát chính là cây bơ, sầu riêng và cả hợp đồng giao khoán trồng hồ tiêu.
Ông Võ Ngọc Hiếu tự “vẽ” ra dự án trồng sầu riêng, bơ buộc người công nhân phải nhổ bỏ cà phê trồng thay thế (1 ha cà phê nhổ bỏ 100 cây) gây thiệt hại 1.064 tấn cà phê tươi do chính ông Hiếu thừa nhận. Và khi dự án “chết yểu” còn gây thiệt hại ngân sách hơn 4,3 tỷ đồng chi phí trồng, chăm sóc.
Việc ông Võ Ngọc Hiếu “chống lệnh” tỉnh, gây thiệt hại ngân sách, người công nhân đã rõ nhưng đến nay trách nhiệm vẫn chưa được xử lí. Trong khi nhà đầu tư “ngậm đắng nuốt cay” bỏ ra hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ Hợp đồng giao khoán trồng tiêu, sâu riêng, bơ và các vật kiến trúc khác gánh “hậu quả” do ông Hiếu để lại.
Có thể bạn quan tâm
Gia Lai: Sở Tài nguyên Môi trường có “làm khó” doanh nghiệp?
04:09, 11/04/2019
Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai bị "rút ruột" trước khi cổ phần?
14:32, 02/04/2019
Gia Lai: Cố tình hay “quên” quyền lợi công nhân (?!)
11:12, 19/03/2019
BIC chi trả bảo hiểm hơn 1 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn tại Gia Lai
16:32, 05/03/2019
Ông Trịnh Đình Trường – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần cà phê Gia Lai bức xúc: Cty TNHH MTV cà phê Gia Lai đã “bỏ quên” quyền lợi người công nhân, cây sầu riêng, bơ sao lại ghi là cây “bóng mát”. Sự mập mờ đã đẩy nhà đầu tư vào thế khó.
Thế nhưng, Báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai và trả lời cho Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Võ Ngọc Hiếu cho rằng: Cây bơ, sầu riêng, Cty có đầu tư một phần vốn nên được ghi trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp. Đối với Hợp đồng giao khoán trồng tiêu, chỉ kiểm kê tài sản của doanh nghiệp hiện có, gồm cả nguồn vốn do doanh nghiệp đầu tư để xác định giá trị doanh nghiệp. Các tài sản (nguồn vốn) do cá nhân, tổ chức (công nhân) đầu tư là tài sản của công nhân, thuộc quyền sở hữu của công nhân nên không kiểm kê trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Từ đó ông Hiếu đúc kết: “phần vốn công nhân đầu tư không được xác định”.