TS Nguyễn Đình Cung: "Quen kiểu làm theo quy định, quy trình" sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo
"Với cơ chế kinh tế quen kiểu "làm theo quy định, tiến theo quy trình" sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo. Tôi phải khẳng định, chúng ta phải mở tư duy ra, trong bối cảnh mới..."
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung tại Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam, kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới có biến động mới được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (19/4).
Liên hệ với các nền kinh tế trong khu vực, ông Cung mở đầu bài phát biểu: Hiện với tốc độ tăng trưởng GDP/người 5%/năm, Việt Nam rất khó có thể thu hẹp nhanh khoảng cách và trình độ phát triển của các nước trong khu vực và với các nước mà Việt Nam muốn đuổi kịp. Đây là điều cần phải suy nghĩ nghiêm túc!
"Tôi nói ví dụ, Trung Quốc có hơn 1 thập kỷ duy trì tăng trưởng cao trên 10%, điều này khiến GDP của họ tăng cao, GDP bình quân/người của họ hiện gấp 4 lần Việt Nam. Chúng ta có tăng trưởng nhưng chưa cao lại chưa ổn định nên gia tăng GDP rất khó", TS Cung nhấn mạnh.
Ông Cung gợi ý, Việt Nam cần chú ý cải cách, luôn luôn phải cải cách không ngừng. Nếu Việt Nam chỉ nghe những báo cáo "động viên" của nước ngoài mà hài lòng, sẽ không có động lực cải cách tiếp và không có gia tăng cơ hội phát triển.
Theo TS Cung, hiện Việt Nam không có sự dịch chuyển nguồn lực để phân bố lại nguồn lực. Việt Nam cũng không có nhân tố sản xuất theo yếu tố thị trường hóa mà các nhân tố này vẫn theo yếu tố phụ thuộc vào Nhà nước, chính sách.
"Khâu chuyển dịch nguồn lực phát triển tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo mệnh lệnh hành chính, điều này khiến Việt Nam không có được những ngành kinh tế mới, những nghề mới, sản phẩm mới - những cái đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng, tạo giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế", TS Cung nói.
"Những cái mới là sáng tạo đang rất khó ở tại Việt Nam. Với cơ chế kinh tế quen kiểu "làm theo quy định, tiến theo quy trình" sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo. Tôi phải khẳng định, chúng ta phải mở tư duy ra, trong bối cảnh mới, thời đại 4.0 các Bộ, ngành phải suy nghĩ tích cực về cái mới, chính sáng tạo mới là nguồn lực quan trọng nhất để giúp đất nước phát triển", ông Cung nhấn mạnh.
Một vấn đề được TS Cung nhắc đi nhắc lại là tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào quy mô GDP của nền kinh tế.
"Các số liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp chỉ 9% vào GDP. Đây là con số tôi không tin, bởi sao các doanh nghiệp tư nhân hiện có tỷ suất lợi nhuận, doanh thu tăng cao hơn so với doanh nghiệp Nhà nước. Hơn nữa, tỷ lệ tăng trưởng của GDP của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn tăng, nhưng tại sao đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP cả nước lại không tăng?", ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung đề xuất nên đánh giá lại chỉ tiêu GDP của doanh nghiệp ngoài Nhà nước thay vì đánh giá lại toàn bộ GDP nền kinh tế mà Chính phủ đang kêu gọi.
Có thể bạn quan tâm
Ổn định kinh tế vĩ mô: “Đòn bẩy” giúp kinh tế tăng trưởng bền vững
14:18, 23/10/2018
Biến tướng trong cắt giảm điều kiện kinh doanh
00:00, 26/03/2019
Bộ Tài chính "tố" Bộ Tài nguyên và Môi trường "cài cắm" điều kiện kinh doanh
06:16, 08/03/2019
Về vấn đề doanh nghiệp khó khăn, tỷ lệ phá sản tăng cao, theo TS Cung, cần phải chỉ rõ nguyên nhân: Tại sao Chính phủ yêu cầu cải cách, các Bộ, ngành cũng nêu cải cách, cắt giảm giấy phép con, giảm điều kiện kinh doanh tại sao doanh nghiệp phá sản vẫn cao? Đây là sự bất hợp lý, mâu thuẫn chính sách và thực tiễn cần nghiên cứu, đánh giá để có góc nhìn chính xác hơn.
"Nhiều người cho rằng, hiện tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ, lẻ thuộc khối tư nhân giảm, khiến họ không duy trì được, buộc phải phá sản. Tuy nhiên, tôi cảm nhận dường như có gì bất ổn về lãi suất và trở ngại về thị trường", ông Cung nói.
Ông Cung nhấn mạnh, trước kia thủ tục chuyên ngành phải kiểm tra trước khi thông quan, nay chuyển sang sau thông quan.
"Kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cán bộ còn có áp lực để thúc đẩy kiểm tra nhanh, tránh tồn đọng. Hiện nay, họ chuyển sang sau thông quan. Sau thông quan, ít áp lực hơn nên họ cũng làm các thủ tục chuyên ngành chậm hơn, lâu hơn, doanh nghiệp khó khăn hơn", ông Cung nói.
Theo Viện trưởng CIEM, năm 2019 chưa có các "vấn đề" nổi cộm để Chính phủ, Bộ, ngành có văn bản chỉ đạo, điều hành cụ thể như vụ việc của "Cafe Xin Chào" - châm ngòi cho hàng loạt chính sách, điều này khiến cho tính bứt phá chính sách, cải cách năm 2019 tăng lên như chúng ta kỳ vọng.
"Đợt trước, chúng tôi đi địa phương, họ nói thực tế là ngại làm, ngại sáng tạo, ngại đổi mới. Như vậy, nếu không mở không gian đổi mới, cải cách ở cả địa phương và trung ương thì sẽ không có những sáng tạo", ông nói.
Ông này cũng cho rằng, hội nhập toàn cầu, ở thời đại Cách mạng 4.0, công nghệ phá hủy mọi thứ nên chúng ta cần chấp nhận sự thay đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam xuất phát từ con số 0 nên rất dễ làm, năng lực của người Việt có khả năng tận dụng được đổi mới sáng tạo, cho ra những sản phẩm mới.
"Thế giới phẳng, tri thức là tài nguyên của toàn cầu, Việt Nam không thua kém ai về cách tiếp cận tri thức và tài nguyên cả", ông Cung nói.
Lấy ví dụ ngành thanh toán ngân hàng của Trung Quốc, TS Cung nêu: Fintech không chỉ là động lực cho nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây mà còn khiến nhiều ngành khác sinh sôi, nảy nở và nó là cơ sở, nền tảng tạo ra các cuộc cách mạng khác.