Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

Huyền Trang 01/05/2019 09:09

Hàng loạt chính sách mới như: Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép cho thuê lại lao động, Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có bằng trung cấp nghề… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 05/2019.

Có thể bạn quan tâm

  • Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2019

    06:30, 01/04/2019

  • Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2019

    09:30, 01/02/2019

  • Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2019

    06:50, 01/01/2019

Hỗ trợ tới 100% học phí khóa đào tạo quản trị kinh doanh

Ngày 29/03/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 05/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 12/05/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% học phí khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh đối với các đối tượng sau: Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa có trụ sở tại địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Nếu không có điều kiện tham gia đào tạo trực tiếp, học viên có thể tham gia chương trình đào tạo trực tuyến, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Người lao động hoặc cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được cung cấp tài khoản để tham gia học tập tại Hệ thống đào tạo trực tuyến trên nền tảng Web hoặc trên thiết bị di động thông minh.

Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép cho thuê lại lao động

Theo Nghị định 29/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/05/2019, doanh nghiệp được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động khi đáp ứng 2 điều kiện sau:

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đảm bảo điều kiện:

+ Là người quản lý doanh nghiệp;

+ Không có án tích;

+ Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng.

So với trước đây, Nghị định mới đã bãi bỏ điều kiện về vốn pháp định (2 tỷ đồng) và điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Cách xác định thời điểm sử dụng nhà ở cũ

Nghị định 30/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở đã bổ sung hướng dẫn cụ thể việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Cụ thể:

- Trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà và có tên trong hợp đồng này:

+ Nếu thời điểm bố trí nhà ở được ghi trong hợp đồng thuê nhà, xác định theo thời điểm ghi trong hợp đồng;

+ Nếu trong hợp đồng không ghi thì xác định theo thời điểm ký hợp đồng đó;

+ Hợp đồng thuộc diện ký lại hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà, thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên...

- Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong văn bản bố trí sử dụng thì thời điểm sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản đó. Nếu văn bản không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/05/2019.

Xuất trình CMND khi yêu cầu cung cấp thông tin đo đạc

Từ ngày 01/05/2019, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

Ngoài ra phải xuất trình thêm giấy giới thiệu hoặc công văn của cơ quan, tổ chức khi đại diện cơ quan, tổ chức đến yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ có trách nhiệm cung cấp ngay trong ngày làm việc hoặc theo thời gian thống nhất với bên yêu cầu cung cấp. Từ chối phải trả lời bằng văn bản lý do không cung cấp.

Đây là một trong những quy định đáng chú ý được nêu tại Nghị định 27/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đo đạc và bản đồ được Chính phủ ban hành ngày 13/03/2019.

Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 16/2019/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu ngày 28/03/2019, có hiệu lực từ ngày 15/05/2019.

Theo đó, lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông:

- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1;

- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2021;

- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2020.

Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có bằng trung cấp nghề

Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ, học sinh THPT, học viên GDTX có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trong thời gian học THPT thì được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT:

- Cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp

- Cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp.

- Cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 03/05/2019.

Tạm đình chỉ tư cách luật sư nếu “trốn” bồi dưỡng nghiệp vụ

Từ ngày 05/05/2019, việc tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư được thực hiện theo Thông tư 02/2019/TT-BTP ngày 15/03/2019.

Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 08 giờ/năm. Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng khi: Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong hoặc ngoài nước; viết sách được xuất bản về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp…

Trong trường hợp, luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư 6 - 12 tháng.

Tố cáo sai sự thật, công chức có thể bị xử lý hình sự

Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo đã được Chính phủ ban hành ngày 10/4/2019, có hiệu lực từ ngày 28/05/2019. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau:

- Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo;

- Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật.

- Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Huyền Trang