Đăk Hà, Kon Tum: Cho thuê đất công viên có đúng luật?
Việc UBND huyện Đăk Hà cho thuê hơn 20.000m2 đất mà không tổ chức đầu thầu liệu có phù hợp với quy định của pháp luật?
Như Báo DĐDN đã phản ánh Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà Hoàng Nghĩa Trí ký 2 Quyết định số 1385/QĐ-UBND cho ông Đinh Xuân Ba thuê diện tích hơn 10.500 m2 của Công viên 24 - 3 và Quyết định 1386/QĐ-UBND cho ông Phan Thanh Trường (cùng thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) thuê diện tích gần 11.200 m2 tại Công viên Đăk Hà. Thời hạn cho thuê 2 khu đất trên là 30 năm, bắt đầu từ ngày 1/11/2016 đến ngày 1/11/2046 theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Trong hồ sơ thuê đất của hai cá nhân lúc đầu ghi là múc đích sử dụng xây dựng “khu vui chơi, giải trí” và được UBND huyện Đăk Hà cấp giấy chứng nhận QSDĐ gắn liền với tài sản trên đất là đất “khu vui chơi, giải trí”.
Tuy nhiên khi thực hiện cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng gắn liền tài sản trên đất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Kon Tum lại chuyển từ mục đích sử dụng từ đất “khu vui chơi, giải trí” thành đất “thương mại, dịch vụ”.
Có thể bạn quan tâm
Kon Tum: Biến đất công viên thành khu thương mại, dịch vụ
11:05, 13/05/2019
Kon Tum: Hàng trăm hộ dân “sống mòn” bên công trình nghìn tỷ
05:00, 18/04/2019
Ông Trịnh Ngọc Hiểu – Phó giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai tỉnh Kon Tum giải thích rằng, trong Luật, Nghị định và hệ thống văn bản hướng dẫn không có mục đích sử dụng là đất “khu vui chơi, giải trí”. “Sở TNMT không tự ý chuyển mục đích sử dụng để tạo điều kiện cho hai cá nhân trên thực hiện dự án. Các hạng mục họ đã triển khai, giờ họ xin cấp bổ sung tài sản thì căn cứ theo hồ sơ và thực tế là họ kinh doanh thì cấp với mục đích thương mại, dịch vụ” – ông Hiểu cho biết thêm.
Việc hai công viên rơi vào tay tư nhân rồi “biến tướng” thành quán cà phê, phòng tập gym… khiến người dân bức xúc và đặt câu hỏi: đất công viên nhưng người dân không được vui chơi, giải trí, còn các công trình dịch vụ vẫn hàng ngày thu lợi trên thửa đất vốn dành cho mục đích công ích? “Từ khi công viên cho thuê rồi thành quán xá, người dân xung quanh công viên chẳng ai còn muốn đến để đi bộ, tập thể dục. Trung tâm thị trấn có 2 công viên đều cho thuê hết, giờ dân có muốn có chỗ vui chơi, giải trí cũng chẳng biết đi đâu, đến công viên mà không dùng dịch vụ của họ thì ai dám đến” – một người dân sống thị trấn Đăk Hà bức xúc.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Kon Tum) cho biết, việc cấp phép xây dựng là căn cứ vào hồ sơ, giấy tờ của UBND huyện Đăk Hà như: hợp đồng cho thuê đất; quyết định cho thuê đất; giấy phép quy hoạch. “Khi cấp phép xong thì Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lí, giám sát việc xây dựng có đúng theo quy định. Nếu sai thì UBND huyện Đắk Hà phải chịu trách nhiệm” - ông Lưu nói.
Theo điều tra của phóng viên, trước đây UBND huyện Đăk Hà đã từng cắt một phần diện tích được quy hoạch làm Công viên Đăk Hà bán để lấy kinh phí xây dựng, tu bổ công viên nhưng hơn 3 năm công viên vẫn không được xây dựng. Và đến cuối năm 2016, huyện lại tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa, kêu gọi đầu tư rồi cho 2 cá nhân thuê mà không thông qua tổ chức đấu thầu.
Luật sư Lê Văn Hoan – Trưởng văn phòng Luật sư Lê Văn (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), cho biết đất đã được quy hoạch công viên cây xanh thì không được phép sử dụng sang mục đích khác đó là đất phi nông nghiệp. "Nếu chuyển mục đích từ đất công viên cây xanh sang đất phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ) trong trường hợp này phải thông qua đấu giá và phù hợp quy hoạch đúng mục đích sử dụng đất, nếu không đấu giá thì sử dụng tài sản công trái phép”– Luật sư Hoan cho biết.