Hải Phòng: Doanh nghiệp “sốc” với tiền thuê đất
Nhận được thông báo nộp tiền thuê đất của cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng “toát mồ hôi” vì tiền thuế đất đội lên gấp nhiều lần so với những năm trước.
Ông Phan Thanh Bình – TGĐ Tasa Duyên Hải (Hải Phòng) cho biết, thông báo của Chi cục thuế quận Hải An năm 2017 tiền thuê đất của doanh nghiệp là hơn 1 tỷ đồng. Đến năm 2018 bắt đầu chu kỳ ổn định thuế đất 5 năm tiếp theo, số tiền thuê đất hàng năm doanh nghiệp phải nộp là hơn 2,6 tỷ đồng.
"Sau khi nhận được thông báo tiền thuế đất năm 2018 tăng gần 250% so với năm 2017, thực sự khiến chúng tôi “hết hồn”, doanh nghiệp cảm thấy như mình đang bị tận thu. Mặt bằng sản xuất kinh doanh của công ty chúng tôi đang nằm ở vị trí che khuất bởi các nhà dân mặt đường 356 Đình Vũ, xa trung tâm mà bị tăng thế này thì những doanh nghiệp thuê gần trung tâm hoặc khu đất vàng thì số tiền tăng sẽ không hề ít" – ông Bình chia sẻ.
Đại diện Công ty Cổ phần vận tải và Thuê tàu Vietfracht Hải Phòng cho biết, giá đất chu kỳ 5 năm cũ của công ty là hơn 500 triệu đồng/năm, nhưng áp theo giá mới (chu kỳ 5 năm tiếp theo, tính từ năm 2018) giá thuê đất của doanh nghiệp này đội lên 1,5 tỷ đồng/năm. Với giá thuê đất cũ việc kinh doanh của doanh nghiệp đã rất khó khăn, gần như không có lãi. Nay tiền thuê đất tăng gần 300% khiến doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.
Đại diện doanh nghiệp này đề nghị, tăng chu kỳ ổn định thuế đất lên 10 năm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định, tái đầu tư.
Theo ông Đặng Thế Lưỡng – Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An, chu kỳ ổn định thuế đất 5 năm/lần không còn phù hợp nữa, và chính chu kỳ này là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không lớn lên được.
“Tiền thuê đất chỉ ổn định trong thời gian ngắn (chu kỳ 5 năm) và có sự điều chỉnh tăng giá quá cao sau mỗi chu kỳ (có những vị trí được điều chỉnh tăng trên 200%) đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Do việc điều chỉnh chi phí thuê đất không tương ứng với chu kỳ đầu tư của doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức khai thác vốn và thu hồi vốn của doanh nghiệp có chu kỳ bình thường tối thiểu cũng là trên 10 năm. Vì chu kỳ ổn định thuế đất không có thời gian đủ dài để DNNVV thực hiện các chiến lược tái đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến DNNVV không lớn lên được” – ông Lưỡng nêu ý kiến.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: "Thủ phủ" logistics khu vực phía Bắc
13:30, 14/05/2019
Hải Phòng đầu tư 20 sản phẩm OCOP đầu tiên
01:10, 14/05/2019
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2019: Cơ hội quảng bá du lịch Hải Phòng
23:07, 10/05/2019
Đồng quan điểm với ông Lưỡng, ông Lê Thái Cường – Tasa Duyên Hải cho biết, các tài sản cố định được các DNNVV đầu tư: dây chuyền sản xuất, thiết bị nâng hạ, nhà kho, nhà xưởng… đều có thời hạn khấu hao trên dưới 10 năm. Nhỏ nhất là chiếc xe ô tô cũng còn có thời gian khấu hao ít nhất là 8 năm. Như vậy, chưa hết một vòng đời của tài sản cố định, doanh nghiệp đã phải gánh chịu phát sinh chi phí rất lớn do điều chỉnh giá thuê đất tăng cao từ 200% trở lên, thậm chí có những vị trí lên tới 300% đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
“Với việc tăng giá thuê đất quá lớn như trên đã phá vỡ các kế hoạch tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cân đối thu chi và gây khó khăn nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn thị trường biến động và cạnh tranh gay gắt như hiện nay” – ông Bình nói.
Trong vòng 4 – 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp vận tải rất khó khăn, nhưng để tăng 1 – 2% trong đơn giá, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn đắn đo, tính lên tính xuống. Việc tăng giá thuê đất quá cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh kho bãi đang gặp khó khăn dễ rơi vào bờ vực phá sản. “Nhà nước lên tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng cách kéo dài chu kỳ tăng tiền thuê đất. Hoặc chu kỳ có thể giữ nguyên là 5 năm nhưng biên độ tăng thì phải tính toán, tăng bao nhiêu là phù hợp” – ông Bình chia sẻ.