Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Kỳ I - Trần làm thêm 400 giờ/năm còn “khiêm tốn”
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị mức trần giờ làm thêm 400 giờ/năm còn “khiêm tốn”, có thể nâng lên mức 450-500 giờ/năm và linh hoạt theo thời điểm.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét trong tuần tới, trong đó, có đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng và tổng số 400 giờ/năm.
Trao đổi với DĐDN, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ĐT&TM TNG, ông Nguyễn Văn Thời cho biết: “Bản thân doanh nghiệp thực sự không muốn tăng làm thêm giờ, nhưng một số lĩnh vực có tính chất đặc thù, thời vụ thì việc tăng lên 400 giờ/năm là hoàn toàn hợp lý”.
Theo Chủ tịch TNG, việc tăng giờ làm thêm là sẽ gây phát sinh chi phí lao động cho quỹ lương của doanh nghiệp, tuy nhiên với những ngành như dệt may, các đơn hàng thường có tính thời vụ, dồn vào một số tháng nhất định nên doanh nghiệp phải tăng làm thêm giờ.
Không chỉ với doanh nghiệp có tính thời vụ như dệt may, yêu cầu tăng giờ làm cũng được cho là cần thiết với doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất có tính đặc thù theo chuỗi.
“Các doanh nghiệp thủy sản, hoạt động liên quan đến chuỗi khai thác biển cũng như theo con trăng, con nước, mùa vụ. Khi một ngành hàng phụ thuộc cả chuỗi như thế, có khi vài tháng cao điểm cần người lao động làm thêm giờ để tôm cá được bảo quản giữ tươi. Nếu không hàng bị ươn hỏng, đó là chưa kể khi ký đơn hàng với quốc tế cũng phải thực hiện theo quy định của họ”, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Ở góc độ nghiên cứu, nhiều chuyên gia cho biết, trên thực tế xu hướng chung của các nước có điều kiện tốt hơn là phải giảm giờ làm, tuy nhiên ở bối cảnh Việt Nam hiện nay thì tăng giờ làm là cần thiết bởi “điểm nghẽn” năng suất thấp.
“Việt Nam hiện có năng suất lao động thấp, do đó phải bù đắp bằng tăng giờ làm thêm. Bởi nếu nhìn vào góc độ cạnh tranh, sản phẩm hàng hoá Việt còn chưa cân bằng được với sản phẩm cùng ngành nghề của các đối thủ ví dụ ngay như các sản phẩm dệt may khi so sánh với nước láng giềng Trung Quốc vẫn còn chưa tương xứng”, Chuyên gia lao động Phạm Minh Huân phân tích.
Như vậy, yêu cầu tăng giờ làm thêm thực chất là việc bù đắp năng suất lao động thấp trong các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, hiện nay, các nước tương tự hoặc có bước phát triển xa hơn Việt Nam một chút cũng đều có khung giờ làm thêm rộng hơn như Thái Lan, Singapore.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị nới rộng giờ làm thêm, mức 400 giờ/năm lại chỉ áp dụng với ngành “đặc biệt” là mức khiêm tốn và khó xác định lĩnh vực nào là “đặc biệt”. Cùng với đó, trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều ngành nghề, các quy định tại Bộ luật Lao động mới phải đảm bảo đề xuất giờ làm thêm hết sức linh hoạt, không thể quy định chung chung như hiện tại.
Cụ thể, với doanh nghiệp thuỷ sản đề xuất khung giờ làm thêm tăng lên 450 giờ/năm để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế cho doanh nghiệp nới lỏng giờ làm thêm theo từng thời điểm phù hợp.
“Đề xuất tăng số giờ làm thêm lên mức 450 giờ, bỏ kiềng khống chế tháng chỉ để khống chế theo năm là tăng không quá 50%”, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Tăng giờ làm thêm bằng cách nào?
15:30, 15/05/2019
Giờ làm thêm cộng với lương luỹ tiến sẽ “đánh sập” doanh nghiệp
15:30, 14/05/2019
Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Mở rộng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm
01:02, 02/05/2019
Thậm chí, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như AmCham, JCCI kiến nghị, với những doanh nghiệp ngành IT, ngành nghiên cứu phát triển có thể nâng trần làm thêm giờ lên mức trên 500 giờ/năm.
“Việc tăng giờ làm thêm trong các ngành nghề đặc biệt chỉ nên yêu cầu ở việc tiến hành một thông báo, chứ không nên quy định phải đăng ký hay phê duyệt làm phát sinh thủ tục hành chính và mất đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thuý Hằng, Chủ tịch Uỷ ban nhân sự Amcham TP HCM kiến nghị.
Kỳ II: Tăng tuổi hưu cần "điểm danh" từng ngành nghề